Bức ảnh hiếm về vành đai của Thiên Vương tinh
Sau 19 năm, con người mới có thể chiêm ngưỡng các vành đai của Thiên Vương tinh chụp bởi kính viễn vọng không gian.
Ngày 6/4, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố hình ảnh mới của Thiên Vương tinh, được chụp hồi tháng 2 bởi camera hồng ngoại gần (NIRCam) trên kính viễn vọng James Webb.
Ảnh cận cảnh của Thiên Vương tinh chụp bởi kính viễn vọng James Webb. (Ảnh: NASA).
Bên cạnh màu xanh nhạt đặc trưng, bức ảnh còn cho thấy các vành đai mờ và 6 mặt trăng (vật thể vệ tinh) sáng nhất quanh Thiên Vương tinh.
Theo Forbes, James Webb là kính viễn vọng thứ 3 trong lịch sử chụp lại các vành đai của Thiên Vương tinh. Những bức ảnh trước đây thuộc về tàu vũ trụ Voyager 2 (chụp năm 1986) và đài quan sát Keck (năm 2004).
Bức ảnh của James Webb chụp 11 trên 13 vành đai đã biết của Thiên Vương tinh. Một số vành đai rất sáng nên khi nhìn trong ảnh, chúng dường như hợp nhất thành một.
Góc nhìn toàn cảnh của NASA cho thấy 6 vệ tinh sáng nhất trong tổng số 27 mặt trăng đã biết của Thiên Vương tinh. Do chỉ sử dụng 2 bộ lọc trên NIRCam với tốc độ phơi sáng 12 phút, những vệ tinh còn lại khá nhỏ và mờ.
Đốm trắng bên phải Thiên Vương tinh gọi là chỏm băng cực (polar cap) - vùng băng bao quanh cực của hành tinh. Theo NASA, điều đặc biệt là chỏm cực dường như chỉ xuất hiện khi được ánh sáng Mặt Trời chiếu trực tiếp vào mùa hè, sang mùa thu sẽ biến mất.
Từ dữ liệu của James Webb, các nhà khoa học kỳ vọng có thể phân tích sâu hơn về cơ chế chỏm cực bí ẩn của Thiên Vương tinh.
Ảnh toàn cảnh gồm Thiên Vương tinh và 6 vệ tinh sáng nhất. (Ảnh: NASA).
Độ nhạy và bước sóng dài của NIRCam cho thấy trung tâm chỏm cực sáng hơn, chi tiết không thể ghi nhận bởi kính viễn vọng Hubble hay đài quan sát Keck.
Thiên Vương tinh thuộc nhóm hành tinh băng khổng lồ, có độ nghiêng trục quay đến 98 độ. Hành tinh này mất khoảng 84 năm (theo lịch Trái đất) để hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh Mặt Trời.
Do độ nghiêng trục quay lớn, thời gian một mùa trên hành tinh này rất dài, dẫn đến điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Theo NASA, cực bắc của Thiên Vương tinh đang vào cuối mùa xuân, trong khi mùa hè sẽ đến vào năm 2028.
Cũng như hầu hết hành tinh khác trong Hệ Mặt trời, Thiên Vương tinh ẩn chứa nhiều điều bí ẩn. Những hình ảnh của James Webb và Hubble đã tiết lộ một số thông tin thú vị, tuy nhiên giới khoa học nhận định vẫn cần đưa tàu vũ trụ vào bầu khí quyển mới có thể hiểu rõ hoạt động của hành tinh này.

Phát hiện thế giới khác đầy "tuyết" rơi ngay bên trong lòng Trái đất
Các tín hiệu kỳ lạ từ nơi sâu thẳm bên trong lòng Trái đất đã giúp các nhà khoa học xác định một thế giới không tưởng, sâu 3.000km bên dưới bề mặt, nơi tuyết giàu silicon đang rơi.

Mất bao nhiêu năm để khám phá vũ trụ khi di chuyển với tốc độ ánh sáng?
Tốc độ ánh sáng tương đương 299.792.458 m/s được xem là giới hạn tốc độ tối đa được tiết lộ bởi thuyết tương đối của Einstein.

Năm ánh sáng là gì? Một năm ánh sáng bằng bao nhiêu km?
Năm ánh sáng là đơn vị đo thông dụng ngoài vũ trụ bao la, rộng lớn. Và người ta thường nhầm lẫn nghĩ rằng đây là đơn vị đo thời gian.

Tháng 1 năm 2023: "Bạn của loài người tuyệt chủng" trở lại sau 50.000 năm
Trên bầu trời Trái Đất tháng 1-2023, lần đầu tiên sau 50.000 năm, một vật thể ma quái có thể được loài người nhìn thấy rõ bằng mắt thường.

Tìm thấy những ngôi sao "ma" lang thang khắp nơi hàng tỉ năm
Kính viễn vọng Hubble phát hiện nhiều ngôi sao "ma" trong các thiên hà khổng lồ. Chúng lang thang như những linh hồn lạc lối, với ánh sáng mờ ảo ma quái.

James Webb chụp được "hành tinh từ hư không" cách 2.000 năm ánh sáng
Vật thể không gian nửa hành tinh, nửa sao, khó lý giải và khó tìm kiếm bậc nhất vũ trụ đã lọt vào mắt thần của siêu kính viễn vọng 9 tỉ USD James Webb.
