Bức chạm khắc nghi mô tả lâu đời nhất về siêu tân tinh
Bức chạm khắc trên đá có niên đại 4.300 năm trước Công Nguyên có thể là bản mô tả lâu đời nhất về một siêu tân tinh.
Trong nhiều thập kỷ qua, hình ảnh chạm khắc trên đá được khai quật ở Kashmir, một khu vực phía tây bắc Ấn Độ được cho là mô tả cảnh tượng săn bắn của con người cổ đại. Tuy nhiên, sự xuất hiện bất thường của của hai thiên thể trong bức vẽ đã thu hút sự quan tâm của một nhóm các nhà thiên văn học của Ấn Độ, dẫn đầu bởi Giáo sư Mayank Vahia.
Đây có thể là hình ảnh mô tả lâu đời nhất từng được phát hiện về một siêu tân tinh.
Theo một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Lịch sử Khoa học Ấn Độ, các nhà thiên văn học cho rằng các chạm khắc trên đá ở Kashmir có thể là hình ảnh mô tả lâu đời nhất từng được phát hiện về một siêu tân tinh, hình thành sau một vụ nổ siêu lớn của một ngôi sao đang chết, theo Guardian.
Những hình ảnh chạm khắc trên đá ở Kashmir lần đầu tiên được phát hiện cách đây gần nửa thế kỷ, tại khu vực khảo cổ Burzahama ở thung lũng Kashmir, có niên đại khoảng 4.300 trước Công Nguyên.
Hai thiên thể xuất hiện trong bức chạm khắc trong nhiều thập kỷ qua vẫn được cho là hai Mặt trời. Tuy nhiên, Vahia và nhóm nghiên cứu của ông lại không nghĩ như vậy. "Không thể có hai Mặt trời, chúng tôi nghĩ rằng hẳn phải có một ngôi sao rất sáng xuất hiện cùng với Mặt trời và thu hút sự chú ý của con người thời đó", Vahia cho biết.
Siêu tân tinh là một ngôi sao mới rất sáng, được hình thành khi một ngôi sao chết phát nổ. Dấu hiệu của một vụ nổ siêu tân tinh có thể lan truyền trong vũ trụ trong hàng nghìn năm, cho phép các nhà thiên văn học có thể nghiên cứu tìm ra tọa độ của các siêu tân tinh và thời gian xảy ra vụ nổ.
Bức chạm khắc trên đá được khai quật ở Kashmir, Ấn Độ. (Ảnh: Guardian).
Nhóm nghiên cứu đã lật lại lịch sử và phát hiện niên đại của bức chạm khắc trên đá ở Kashmir rất gần với vụ nổ của một siêu tân tinh, được đặt tên là HB9, cách đây khoảng 4.600 năm trước Công Nguyên.
"Nhìn từ Kashmir, siêu tân tinh sẽ xuất hiện ngay phía trên chòm sao Taurus (Kim Ngưu), hay trong bức vẽ là thiên thể phía bên trái con bò đực", Vahia chia sẻ.
Những ghi chép lâu đời nhất về một siêu tân tinh được ghi nhận ở Trung Quốc, có niên đại cách đây 800 năm trước Công Nguyên. Vì vậy, nếu nhận định của Vahia và nhóm nghiên cứu là đúng, bức chạm khắc trên đá ở Kashmir sẽ trở thành hình ảnh mô tả một siêu tân tinh lâu đời nhất từng được phát hiện.