Cá mặt trăng hiếm thấy dạt vào bờ biển Mỹ
Các nhà hải dương học nói cá mặt trăng sống ở tầng nước sâu dạt vào bờ biển Oregon, Mỹ là điều ít khi xảy ra. Xác cá còn rất mới và nguyên vẹn khi được phát hiện.
Theo Đài CNN, dân địa phương phát hiện một con cá opah - hay còn gọi cá mặt trăng - dạt vào bãi biển Sunset thuộc thành phố Seaside, tiểu bang Oregon (Mỹ), hôm 14/7.
Con cá mặt trăng nặng khoảng 45kg được phát hiện vào ngày 14/7 - (Ảnh: CNN)
Trên Facebook, Viện hải dương Seaside đăng một số bức hình con cá nặng hơn 45kg, dài khoảng 1m, kèm mô tả phát hiện này là điều hiếm thấy trong khu vực.
"Loài này khá thú vị, chúng ta ít khi nào thấy chúng dạt vào bờ biển. Dân địa phương rất phấn khích" - ông Keith Chandler, tổng giám đốc Viện hải dương Seaside, nhận xét.
Dựa trên tình trạng con cá lúc được phát hiện, ông Chandler tin rằng nó chỉ mới dạt vào bờ chưa được một giờ trước khi nhân viên Viện hải dương nhận được thông báo. "Không may là nó đã chết, nhưng chúng ta đến sớm hơn mấy con chim" - ông nói.
Con cá mặt trăng khi mới được phát hiện - (Ảnh: CNN)
Theo Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), khoa học biết rất ít về loài cá mặt trăng vì chúng chỉ sống ở tầng nước sâu thuộc các vùng biển ôn và nhiệt đới.
"Cá mặt trăng có hình dạng khác thường. Thân nó tròn, dẹt và có màu xám bạc. Gần phần bụng màu bạc chuyển dần thành màu đỏ tươi, điểm thêm những chấm trắng. Vây và miệng của nó đều màu đỏ, đôi mắt to thì bao bọc bởi màu vàng kim" - NOAA mô tả.
Con cá ở Oregon hiện đang được bảo quản trong thùng đông lớn. Viện hải dương Seaside dự định hợp tác với Bảo tàng Hàng hải sông Columbia giải phẫu nó. Một nhóm học sinh may mắn sẽ được chọn để tham gia.
Chuyên gia Chandler nói họ muốn thu thập "mọi thông tin có thể" về loài này.