Cá mặt trời khổng lồ dạt lên bờ biển Australia
Loài động vật hiếm gặp trôi dạt lên cửa sông Murray tại phía nam Australia, do hình thù đặc biệt, những người phát hiện ban đầu tưởng con cá này là một mảnh tàu đắm.
Theo Guardian, xác con cá được phát hiện vào cuối tuần bởi một số ngư dân, và bức ảnh về nó nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.
Linette Grzelak, người đã chụp những bức ảnh này và đăng lên Facebook, cho biết bạn trai cô ban đầu tưởng rằng đây là một mảnh tàu đắm vì kích thước quá lớn của con vật.
Ông Ralph Foster, nhà nghiên cứu cá tại Bảo tàng Nam Australia cho biết loài cá mặt trời này hiếm khi xuất hiện ở địa điểm như vậy.
Theo ông Foster, con cá dạt lên bờ biển chỉ là một con cỡ vừa thuộc loài cá mặt trời có tên khoa học Mola mola, với cát dính trên vảy khiến cho thoạt nhìn tưởng chừng nó được bao bọc bởi một lớp giấy nhám.
Kích thước khổng lồ của con cá mặt trời, tàu thuyền có thể gặp hư hại nếu đâm vào chúng. (Ảnh: Facebook/Công viên Quốc gia Nam Australia).
Cá mặt trời thường ăn sứa và sinh sống ở các vùng nước trên các đại dương khắp thế giới. Tên của chúng được đặt theo thói quen nằm tắm nắng trên mặt nước trước khi lặn xuống độ sâu hàng trăm mét để săn mồi.
Vẫn có rất ít thông tin về loại cá này, và một loài cá mặt trời khác mới chỉ được phát hiện cách đây 2 năm.
Ông Foster cho biết cá mặt trời có thể gây thiệt hại rất lớn cho thuyền buồm nếu có va chạm trên mặt nước.
Năm ngoái, một chiếc thuyền buồm tham gia vào cuộc đua từ thành phố Sydney đến Hobart đã phải bỏ cuộc sau khi đâm vào một con cá mặt trời khiến bánh lái của con tàu bị vỡ.
Hồi đầu tháng này, một con cá mặt trời bịt mắt (Mola tecta) đã trôi dạt lên bờ biển bang California.