Các đàn cá biển có thể phục hồi vào năm 2026
Hầu hết các đàn cá trên toàn cầu, vốn bị khai thác quá mức, có thể sẽ phục hồi số lượng trong 10 năm tới.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, các đàn cá đang suy giảm trên toàn thế giới có thể sẽ phục hồi được trong vòng một thập kỷ tới nếu con người kịp thực hiện các biện pháp bảo tồn thích hợp. Hơn nữa, nguồn cá trên toàn cầu có thể tăng gấp đôi vào năm 2050 nếu các chính phủ phối hợp cùng nhau hành động.
Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu trên 4.713 ngư trường trên toàn thế giới, chiếm 77% lượng cá đánh bắt của thế giới. Các phân tích cho thấy, các phương pháp đánh bắt quy mô lớn hiện nay là không bền vững, do đó sẽ dẫn đến một sự tiếp tục sụt giảm các đàn cá trên toàn thế giới.
Lượng cá trên toàn cầu có thể sẽ phục hồi nếu có những biện pháp bảo tồn thích hợp. (Nguồn: CC).
Hiện tại, một số loài cá đã suy giảm nghiêm trọng do bị khai thác quá mức. Ví dụ, các loài cá thu và cá ngừ đã giảm 74% trong 4 thập kỷ qua.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, việc hạn chế đánh bắt cá hàng năm dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học về đặc tính và thời gian sinh sản của các loài cá có thể làm tăng lượng cá lên 16 triệu tấn mỗi năm, tương đương 53 tỷ USD lợi nhuận hàng năm cho ngư dân toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, các đàn cá hoàn toàn có thể phục hồi vào năm 2026. Bà Amanda Leland, đồng tác giả của nghiên cứu, cho rằng việc giải quyết các vấn đề liên quan đến thủy sản của thế giới có thể là một trong những thách thức môi trường quan trọng nhất mà loài người hiện phải đối mặt. Việc cải thiện môi trường sẽ không chỉ có lợi cho các loài sinh vật biển mà còn cho cả ngư dân và các cộng đồng ven biển.
Theo ông Chris Costello của Đại học California (Mỹ) và là tác giả chính của nghiên cứu, phát hiện mới này cho thấy khả năng con người vẫn có thể bảo tồn được các loài cá ngoài biển, trong khi vẫn có đủ thức ăn và cộng đồng ngư dân phát triển mạnh với chi phí bảo vệ môi trường thấp.