Các nhà khoa học đã phát hiện ra một cách di chuyển mới cực kỳ độc lạ của loài rắn

Bằng cách cuốn chặt cơ thể và tạo hình thành một chiếc thòng lọng, loài rắn cây nâu có thể leo lên được các khối hình trụ trơn, nhẵn để tiếp cận con mồi.

Các nhà khoa học đã xác định được một phương thức vận động hoàn toàn mới của loài rắn. Hành vi leo trèo mới nhìn chung khá khó khăn nhưng nó cho phép rắn leo lên những khối trụ lớn và nhẵn một cách ấn tượng.

Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho nó là "lasso locomotion", bởi vì con rắn leo lên bằng cách quấn chặt cơ thể của nó quanh các cấu trúc hình trụ, siết chặt cơ thể như một sợi dây thòng lọng vòng từ thân đến đuôi.

Các hình thức leo trèo ở loài rắn đã được khám phá từ lâu. Với loài rắn cây nâu (Boiga irregularis), hành vi leo trèo mới giúp chúng có thể leo lên một khối hình trụ nhẵn và lớn dễ dàng hơn nhiều so với các cách leo khác. Đây có thể là hình thức di chuyển hoàn toàn mới của loài rắn được xác định cho đến nay.

Nhóm nghiên cứu do nhà sinh vật học bảo tồn Julie Savidge đến từ Đại học bang Colorado giải thích: "Trong gần 100 năm qua, tất cả các chuyển động của rắn được phân loại thành 4 chế độ: thẳng hàng, uốn lượn bên, nghiêng một bên và uốn tròn theo hình zigzag".


Các cách di chuyển thường thấy trước đây của rắn.

Một loại chuyển động khác của rắn, đó là đẩy trượt cũng được một số nhà khoa học công nhận là một dạng chuyển động riêng biệt và xảy ra trên các bề mặt phẳng. Đồng thời, một số người đã đề xuất cách phân loại hiện tại nên đa dạng hơn.

Trong mọi trường hợp, lasso locomotion hoàn toàn khác với tất cả các hình thức chuyển động của loài rắn trước đây và là một phát hiện tình cờ được thực hiện trong một dự án bảo tồn ở đảo Guam, nơi loài rắn cây nâu đã hủy hoại các quần thể chim địa phương.

Khi xem lại đoạn video quay cấu trúc vách ngăn bằng kim loại thử nghiệm để bảo vệ các loài chim trước nguy cơ các hộp chim có mái che bị rắn tấn công, nhóm nghiên cứu đã phát hiện thấy một bất ngờ độc đáo.

Nhà nghiên cứu y học vùng hoang dã Thomas Seibert giải thích: "Chúng tôi đã xem khoảng 4 giờ video và đột nhiên, chúng tôi thấy con rắn có hình dạng giống như một chiếc dây thòng lọng vắt vẻo xung quanh khối hình trụ và lắc lư cơ thể của nó. Chúng tôi đã xem đoạn video đó khoảng 15 lần. Đó là một cú sốc. Không gì có thể so sánh với nó".


Cách di chuyển mới của rắn.

Trong chuyển động được quan sát, những con rắn leo lên những hình trụ thẳng đứng và nhẵn bằng cách sử dụng tư thế cơ thể giống như dây thòng lọng với phần đầu và cổ hướng lên trên, trong khi phần thân uốn tròn và ôm chặt khối hình trụ.

Kỹ thuật này cho phép rắn cây nâu leo ​​lên các trụ có đường kính gấp đôi cơ thể chúng so với các phương pháp khác và độ chắc chắn của chúng cũng rất đáng nể khi không dễ dàng để kéo chúng ra.

Các nhà nghiên cứu viết: "Tốc độ chậm, trượt, tạm dừng thường xuyên và thở nặng nhọc trong suốt thời gian tạm dừng cho thấy phương thức di chuyển lasso locomotion mới khó như thế nào".

Nhà sinh vật học Bruce Jayne từ Đại học Cincinnati cho biết: "Mặc dù chúng có thể leo lên bằng cách này nhưng nó cũng đẩy chúng đến giới hạn. Những con rắn phải tạm dừng trong một thời gian dài để nghỉ ngơi".


Cách di chuyển mới của rắn cây nâu.

Tuy nhiên giờ đây chúng ta đã biết thêm về phương thức di chuyển lasso locomotion mới. Các nhà nghiên cứu hy vọng sau khi biết cách leo mới này, họ có thể tạo ra các thách thức khó nhằn hơn cho loài rắn, đồng thời nghiên cứu các loại vật cản mới chuyên để chống lại sự xâm nhập của loài rắn.

Thoạt nghe mục đích này có vẻ không thuận tự nhiên lắm nhưng nó sẽ góp phần bảo vệ quần thể chim đang suy giảm ở Guam trước nguy cơ từ loài rắn nâu trong tự nhiên.

Savidge chia sẻ: "Hầu hết các loài chim rừng bản địa đã biến mất trên đảo Guam. Hy vọng rằng những gì chúng tôi phát hiện sẽ giúp khôi phục loài chim sáo đá và các loài chim có nguy cơ tuyệt chủng khác. Giờ đây chúng tôi có thể thiết kế những vách ngăn mà loài rắn không thể tiếp cận được. Nhưng đây vẫn là một vấn đề khá phức tạp".

Phát hiện đã được chia sẻ trên tạp chí Current Biology mới đây.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất