Các nhà khoa học Mỹ phát hiện hệ thống "đường cao tốc" 3.000 năm ẩn trong rừng
Các nhà khoa học Mỹ - Guatemala phát hiện hệ thống "đường cao tốc" đầu tiên trên thế giới, kết nối hàng trăm thành phố cổ của người Maya.
Một ngôi đền Maya tại địa điểm khảo cổ el Mirador trong khu rừng ở Guatemala. (Ảnh: Reuters/Daniel Leclair).
Hệ thống "đường cao tốc" cổ xưa dài khoảng 177km, kết nối 417 thành phố và làm thay đổi hiểu biết về nền văn minh Maya, Business Insider hôm 22/5 đưa tin. Việc phát hiện mạng lưới đường xá và thành phố, hệ thống thủy lực và cơ sở hạ tầng nông nghiệp cho thấy, các cộng đồng sống ở Trung Mỹ tiến bộ hơn những gì giới khoa học từng nghĩ. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí của Đại học Cambridge.
Tàn tích nằm ở địa điểm khảo cổ el Mirador, trong một khu rừng ở Guatemala, tồn tại từ 1.000 năm trước Công nguyên đến thời kỳ Tiền cổ điển của người Maya. Maya từng được coi là một cộng đồng du mục, săn bắt hái lượm. Phát hiện mới giúp thay đổi suy nghĩ này, theo Richard Hansen, tác giả chính của nghiên cứu, nhà khảo cổ tại Đại học Bang Idaho.
Vùng rừng lưu giữ tàn tích chỉ có thể tiếp cận bằng máy bay trực thăng hoặc đi bộ đường dài 64 km, vượt qua báo đốm và rắn. "Giờ chúng ta biết rằng thời kỳ Tiền cổ điển là thời kỳ rất phức tạp và có kiến trúc tinh vi, một số công trình lớn nhất trong lịch sử thế giới được xây dựng trong thời gian này", Hansen cho biết.
Nhóm nghiên cứu Mỹ - Guatemala đã lập bản đồ khu vực từ năm 2015 nhờ công nghệ lidar - một kỹ thuật lập bản đồ khảo cổ bằng laser - để phát hiện những chi tiết nhỏ nhất, ví dụ như thảm thực vật cổ đại. Phương pháp này cho phép họ nhìn thấy những con đập, hồ chứa nước, kim tự tháp, bục bệ, mạng lưới đường đắp cao, thậm chí cả sân bóng cổ đại.
Nhà khảo cổ Enrique Hernández tại Đại học San Carlos, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết, khi tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đây có thể trở thành phát hiện lịch sử có tầm ảnh hưởng lớn như các kim tự tháp Ai Cập.