Các nước châu Âu đổ xô đi khai thác "vàng trắng"
Các nước châu Âu đang tìm cách đẩy mạnh khai thác và tinh chế lithium trước sự bùng nổ của xe điện nhằm chống biến đổi khí hậu.
Trong điều kiện tiêu chuẩn, lithium là kim loại nhẹ nhất và nguyên tố rắn có mật độ thấp nhất. Giống như niken và coban, nó cho phép lưu trữ và vận chuyển điện, trở thành một vật liệu quan trọng trong sản xuất pin ôtô khi nhiều hãng xe hơi dần loại bỏ các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Một mỏ khai thác lithium ở Salar de Uyuni, Bolivia. (Ảnh: David Gysel).
Tuy nhiên, châu Âu chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu bên ngoài đối với nguồn tài nguyên được ví như "vàng trắng" này và sự thèm muốn của họ ngày một tăng.
Khoảng 475.000 tấn lithium đã được khai thác và tinh chế vào năm 2021, trong đó Australia và Trung Quốc là các nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán nhu cầu toàn cầu về lithium sẽ tăng hơn 40 lần vào năm 2040.
"Dự đoán của chúng tôi là vào năm 2030, châu Âu sẽ cần hơn 500.000 tấn lithium mỗi năm, lớn hơn thị trường thế giới hiện nay", Robert Colbourn, nhà phân tích của Benchmark Mineral Intelligence, cho biết.
Tuy nhiên, châu Âu hiện không có tên trên bản đồ khi nói về khai thác và tinh chế lithium. Mặc dù có rất nhiều cơ sở sản xuất đang được phát triển, EU vẫn khó có thể đáp ứng được 30% nhu cầu lithium, niken và coban vào năm 2030, theo một báo cáo được đệ trình lên chính phủ Pháp trong tuần này.
Liên minh châu Âu gần đây đã thêm lithium vào danh sách các kim loại quan trọng của mình. Ít nhất 38 nhà máy pin điện mới đã được lên kế hoạch xây dựng trong tương lai. Họ cũng sẽ tăng cường khai thác lithium ở Nam Mỹ, đặc biệt tại ba quốc gia được mệnh danh là "tam giác lithium" bao gồm Argentina, Bolivia và Chile, để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.