Cái chết của một cô gái vô danh ở Paris đã dạy chúng ta: Sự sống có thể truyền lại qua những nụ hôn

Trớ trêu thay, không ai biết tên cô ấy. Tất cả chúng ta không hề biết chút gì ít gì về lý lịch của cô. Dòng đời đã xô đẩy một cô gái trẻ đến Paris như thế nào, và tại sao lại khiến cô ấy chết đuối trong dòng nước sông Seine?

Chỉ sau khi cái xác vô hồn được kéo ra khỏi dòng nước, nó mới được đặt cho một cái tên: L'Inconnue de la Seine (cô gái vô danh của sông Seine). Đó là khoảng thời điểm cuối thế kỷ 19, một câu chuyện về sự sống và cái chết đã mở ra theo cách bi thương nhưng cũng vô cùng kỳ vĩ.

Ai mà biết được một cô gái vô danh lại có thể cứu sống hàng triệu người sau này, ngay cả khi đã từ giã cõi đời một cách quá chóng vánh.

Cái chết của một cô gái vô danh ở Paris đã dạy chúng ta: Sự sống có thể truyền lại qua những nụ hôn
L'Inconnue de la Seine - cô gái vô danh của sông Seine.

Không ai biết chính xác những gì đã xảy ra với Cô gái vô danh cả trước và sau vụ đuối nước định mệnh. Lịch sử về cô vẫn còn là một vấn đề gây tranh luận, bởi người Paris vốn thích kể những câu chuyện huyền ảo. Nhưng có cơ sở để chúng tin tưởng vào những gì ở nửa sau câu chuyện, bắt đầu từ hơn 100 năm về trước.

Cô gái vô danh ước chừng mới chỉ 16 tuổi ở thời điểm qua đời, có thể do tự sát. Không ai biết chắc chắn, nhưng không có dấu vết nào trên cơ thể cô, và nhiều người kết luận cô gái đã tự kết liễu cuộc đời mình.

Sau khi được kéo ra khỏi dòng sông Seine, thi thể cô được trưng bày công khai tại nhà xác Paris, cùng với thi thể của 13 xác chết vô danh khác.

Thời điểm đó, người ta vẫn bày những xác chết vô danh ra để cầu mong ai đó đi qua sẽ nhận dạng được họ, một người thân hay người từng quen biết. Những xác chết được đặt ở trong phòng và người xem nhìn họ qua một tấm cửa sổ.

Cái chết của một cô gái vô danh ở Paris đã dạy chúng ta: Sự sống có thể truyền lại qua những nụ hôn
Không có một cửa sổ nào ở Paris thu hút nhiều người xem hơn chiếc cửa sổ này.

"Không có một cửa sổ nào ở Paris thu hút nhiều người xem hơn chiếc cửa sổ này", đó là lời thuật lại của một người sống trong những năm tháng đó. Thế nhưng, mặc cho dòng người bất tận đi qua khung cửa sổ, không có ai nhận ra Cô gái vô danh, hoặc là có ai đó thực sự đã nhận ra chăng, chỉ là không hề có một cách tay nào giơ lên.

Trong khi xác chết của cô gái trẻ không được ai trong đám đông nhận dạng, Cô gái vô danh vẫn có một sức hút kỳ lạ.

Ngay cả khi đã chết, vẻ ngoài thanh thản của cô ấy cũng thu hút được rất nhiều cái nhìn trầm mặc. Một trong những ánh mắt ấy là của một nhân viên nhà xác, người đóng vai trò nút thắt để viết nên toàn bộ câu chuyện này.

Sau khi bị xác chết của Cô gái vô danh hút hồn, anh ta đã đặt in một bức mặt nạ thạch cao theo khuôn mặt của cô ấy.

Chiếc mặt nạ ngay lập tức trở thành một tác phẩm.

Cái chết của một cô gái vô danh ở Paris đã dạy chúng ta: Sự sống có thể truyền lại qua những nụ hôn
Nụ cười nửa miệng đóng băng của Cô gái vô danh được ví như "Nàng Mona Lisa chết đuối".

Chẳng bao lâu, sự quyến rũ chết chóc của Cô gái vô danh đã được sao chép và bày bán trong các cửa hàng lưu niệm trên khắp Paris, rồi nước Đức và cả phần còn lại của Châu Âu.

Chiếc mặt nạ mê hoặc của cô gái vô danh này được triết gia Albert Camus mô tả với cụm từ "Nàng Mona Lisa chết đuối" – từ đó tiếp tục trở thành một biểu tượng văn hóa mà ai cũng muốn sở hữu.

Đó cũng là thời điểm mà nụ cười nửa miệng đóng băng của Cô gái vô danh được treo khắp các phòng tranh ở Châu Âu và trong mọi căn nhà có lò sưởi. Cô ấy là một thứ gì đó không thể thiếu trong các xưởng tranh của mọi nghệ sĩ, một bức thạch cao nhìn chằm chằm vào người xem như một người mẫu bất động và câm lặng.

Cái chết của một cô gái vô danh ở Paris đã dạy chúng ta: Sự sống có thể truyền lại qua những nụ hôn
Cô gái vô danh trong một xưởng tranh thế kỷ 19.

Chưa dừng lại ở đó, Cô gái vô danh không chỉ hấp dẫn những nhà hội họa và điêu khắc, mà còn quyến rũ cả các nhà thơ và tiểu thuyết gia. Họ cũng trở nên say mê cô gái xấu số ấy.

Tại một số thời điểm, Cô gái vô danh từng bị biến thành một loại meme bệnh hoạn cho các nhà văn đầu thế kỷ 20, những người đã tạo ra vô số lịch sử kịch tính cho cô gái anh hùng đau khổ này, người đã bị nhấn chìm bởi vận mệnh và dòng nước nặng trĩu của sông Seine.

"Sự thật khan hiếm đến nỗi mọi nhà văn đều có thể bịa đặt ra mọi điều mà họ muốn để in lên khuôn mặt mịn màng đó", Hélène Pinet, một nhân viên lưu trữ bảo tàng nói với The Guardian năm 2007.

"Cái chết trong nước là một khái niệm rất lãng mạn. Kết hợp cả cái chết, nước và phụ nữ lại là một đề tài kích thích trí tưởng tượng của tất cả mọi người".

Một nhà phê bình văn học từng mô tả Cô gái vô danh là một "ý tưởng khiêu dâm của thời kỳ", một khuôn mẫu thẩm mỹ cho "toàn bộ thế hệ những cô gái Đức lấy vẻ đẹp của cô ấy làm hình tượng".

Cái chết của một cô gái vô danh ở Paris đã dạy chúng ta: Sự sống có thể truyền lại qua những nụ hôn
Một bức họa vẽ L'Inconnue de la Seine.

Nửa thế kỷ sau danh tiếng và sự mê hoặc, Cô gái vô danh một lần nữa lại biến thành một biểu tượng - với sự giúp đỡ của một người đàn ông sinh ra sau cái chết của cô hàng thập kỷ.

Tên anh ta là Asmund Laerdal, một nhà sản xuất đồ chơi từ Na Uy. Công ty của Laerdal được thành lập vào đầu những năm 1940, mới đầu họ chỉ in sách và lịch cho trẻ em, sau đó mới chuyển sang sản xuất những loại đồ chơi nhỏ làm từ gỗ.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Laerdal bắt đầu thử nghiệm một loại vật liệu mới vừa được đưa vào sản xuất hàng loạt: nhựa.

Sử dụng loại vật chất mềm và dễ uốn dẻo này, ông đã tạo ra một trong những món đồ chơi nổi tiếng nhất của mình: Búp bê "Anne". Những con búp bê ấy ngủ, nhưng Anne không phải là Cô gái vô danh. Ít nhất là chưa.

Một ngày nọ, cậu con trai hai tuổi của Laerdal tên là Tore suýt chết đuối. Nếu Laerdal không kịp thời kéo cậu bé khập khiễng ngã xuống nước và ép nước ra khỏi đường thở, lịch sử có lẽ đã rẽ sang một nhánh nào đó rất khác.

Sự kiện chẳng may này đã giúp ông bố, chủ hãng đồ chơi búp bê, có trải nghiệm và ý thức được về việc cứu sống những người đuối nước. 

Cho nên sau này, khi một nhóm bác sĩ gây mê đến gặp Laerdal và nói với anh ấy rằng họ cần một con búp bê để chứng minh một kỹ thuật hồi sức mới được phát triển - một thủ tục được gọi là CPR hồi sức tim phổi - họ đã tìm đúng địa điểm.

Cái chết của một cô gái vô danh ở Paris đã dạy chúng ta: Sự sống có thể truyền lại qua những nụ hôn
Asmund Laerdal - nhà sản xuất đồ chơi Na Uy.

Cùng với nhóm các nhà nghiên cứu này - bao gồm bác sĩ người Áo nổi tiếng Peter Safar, người đã đi tiên phong trong phương pháp CPR - Laerdal bắt tay vào một dự án lịch sử: tạo ra một ma-nơ-canh có kích thước thật mà mọi người có thể sử dụng để thực hành các kỹ thuật cứu sống người đuối nước.

Đối với một nhà sản xuất đồ chơi chỉ quen làm ra những chiếc ô tô thu nhỏ và búp bê, việc tạo ra được một hình nộm thực tế có chức năng được coi là một thách thức không hề đơn giản. Hình nộm phải thể hiện được những đặc điểm đáng tin cậy và sự phức tạp của hồi sức tim phổi.

Thế nhưng, ngoài những vấn đề về mặt kỹ thuật, Laerdal sẽ chọn khuôn mặt nào cho con búp bê khổng lồ này?

Và thế là Laerdal nhớ lại một nụ cười nửa miệng kỳ lạ, khó hiểu. Một chiếc mặt nạ thanh thản mà anh nhìn thấy trên tường nhà người anh rể.

Tất nhiên, đó chính là Cô gái vô danh.

Laerdal vẫn giữ tên con búp bê Anne của mình, nhưng anh đưa vào đó khuôn mặt ma-nơ-canh mới của Cô gái vô danh, cùng với một cơ thể có kích thước bằng người trưởng thành - bao gồm một bộ ngực có thể đàn hồi để thực hành động tác ép lồng ngực và miệng có thể mở ra để mô phỏng quá trình hồi sinh nhờ thổi ngạt.

Một điểm quyết định nữa để Laerdal chọn Cô gái vô danh vì ông nghi ngờ những đàn ông trong thập niên 1960 sẽ không bao giờ thực hành CPR trên môi một búp bê nam. Hình nộm được đặt tên là Resusci Anne (Giải cứu Anne). Ở Mỹ, cô ấy được biết đến với cái tên CPR Annie.

Cái chết của một cô gái vô danh ở Paris đã dạy chúng ta: Sự sống có thể truyền lại qua những nụ hôn
Có thể bạn chưa biết, những hình nộm thực hành cứu sinh CPR được lấy hình tượng từ khuôn mặt Cô gái vô danh ở Paris.

Kể từ khi xuất hiện vào những năm 1960, Resusci Anne không phải là hình nộm CPR duy nhất trên thị trường, nhưng cô được coi là 'người mô phỏng bệnh nhân' đầu tiên và thành công nhất – khuôn mặt đã giúp hàng trăm triệu người tìm hiểu những kiến thức cơ bản để hồi sinh lại sự sống trong một người chết lâm sàng.

Con số đáng kinh ngạc được tích lũy trong gần 60 năm với những hơi thở chứa sự sống được truyền từ miệng người này sang miệng người khác. Đó là lý do người ta nói rằng Resusci Anne là khuôn mặt được hôn nhiều nhất trong lịch sử.

Ngày nay, công ty Laerdal ước tính khoảng hai triệu sinh mạng đã được cứu sống nhờ kỹ thuật hồi sức tim phổi CPR. Trớ trêu thay, hầu hết các ca hồi sinh này chỉ đến sau khi mọi người quỳ xuống và đối mặt với bản sao của một cô gái vô danh đã chết ở Paris - một Jane Doe đã chết từ rất lâu trước khi kỹ thuật này ra đời để có thể cứu sống cô ấy.

Marino Festa, một chuyên gia chăm sóc nhi khoa chuyên sâu tại Bệnh viện Nhi Westmead, Sydney nói cho biết sự ảnh hưởng của bản thân ma-nơ-canh mang khuôn mặt của Cô gái vô danh là rất lớn.

Theo Festa, các đặc điểm chân thực trên khuôn mặt của một người chết đuối thực đã làm tăng tính thực tế cho quá trình đào tạo CPR, khiến bất kể ai đối mặt với khuôn mặt ấy đều phải trải nghiệm sự căng thẳng và sự thôi thúc cứu sống hình nộm. Câu chuyện về Cô gái vô danh cũng giúp cho cả bác sĩ lâm sàng và người dân ghi nhớ và dễ hồi tưởng lại kỹ thuật hơn.

Đó là tác dụng của việc mang chủ nghĩa hiện thực vào đào tạo y khoa, giúp việc học các kỹ thuật hiệu quả hơn và dễ dàng nhớ lại để áp dụng chúng vào thực tế. "Resusci Anne đã giúp chúng tôi hiểu điều này", Festa nói với ScienceAlert.

Theo thời gian, trào lưu nghệ thuật lấy hình tượng Cô gái vô danh ở Paris cuối thể kỷ 19 cũng phải dần phai nhạt. Nhưng nhờ Laerdal, các bác sĩ và CPR, khuôn mặt ấy đã được hồi sinh lại trong một hình tượng mới: Resusci Anne.

Cô gái vô danh tiếp tục đi vào lời những bài hát từ "Annie, are you OK?" cho tới "Smooth Criminal" của Michael Jackson.

Cái chết của một cô gái vô danh ở Paris đã dạy chúng ta: Sự sống có thể truyền lại qua những nụ hôn
Asmund Laerdal và hình nộm Resusci Anne.

Tuy nhiên ngày nay, nhiều người nghi ngờ rằng các đặc điểm hoàn hảo trên khuôn mặt của Cô gái vô danh không thể đến từ một thi thể chết đuối. Họ lập luận rằng khuôn mặt của một xác chết, đặc biệt là khi nó được kéo lên từ một dòng sông, sẽ bị biến dạng, phù nề hoặc sứt mẻ.

Một số người nói rằng khuôn mặt vô danh mà chúng ta biết đến ngày nay thực chất đã được lấy từ một người mẫu sống - một khuôn mặt xinh đẹp bị ai đó cố tình thêm thắt hoặc đánh tráo để trở thành một nhân vật truyền thuyết.

Nhưng đối với những nhà nghiên cứu lịch sử độc lập, sự phong phú của hình tượng Cô gái vô danh và những bí ẩn xung quanh đó mới tạo nên những phần thưởng cho riêng họ. Megan Phelps, một bác sĩ nhi khoa và nhà giáo dục đến từ Trường Y Đại học Sydney đã đến tận Paris để tìm hiểu những gì còn sót lại của câu chuyện cho biết:

"Những thách thức của việc tìm hiểu thêm về câu chuyện, và tác động của cô ấy dưới hình thức một biểu tượng văn hóa mang lại nhiều ý nghĩa đối với tôi. Cô ấy là một nhân vật khó hiểu. Nhưng tôi luôn luôn toàn thích những chuyến đi theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng mà cô ấy đã dẫn dắt tôi tới".

Những người khác vẽ ra một chuỗi các sự kiện thay thế cho cách thức khuôn mặt nổi tiếng ra đời. Họ nói rằng có lẽ đã có một cô gái trẻ chết đuối ở Paris thật. Nhưng ai đó đã cố tình đúc khuôn mặt cô ấy trở nên đẹp hơn đồng thời che giấu đi những nhược điểm của một thi thể chết đuối.

Cũng có thể có một khả năng nào đó đứng ngay giữa các giả thuyết này: Cô gái vô danh đã được tạo ra từ khi cô ấy còn sống, và chỉ sau khi cô gái trẻ chết đuối - lúc đó chiếc mặt nạ mới trở nên nổi tiếng, kéo theo một huyền thoại phát triển xung quanh câu chuyện đó.

Nhưng tất cả những kịch bản cũng chỉ là giả thuyết. Nếu không thể trở ngược lại thời gian, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết được câu chuyện thực sự phía sau chiếc mặt nạ ấy.

Theo câu chuyện thì hài cốt của Cô gái vô danh đã được chôn cất trong một ngôi mộ không được đánh dấu, và hồ sơ của cảnh sát Paris những năm đó không hề đề cập đến cô gái bí ẩn này.

"Tôi không nghĩ một ngày nào đó chúng ta có thể biết được cô gái trẻ ấy là ai", Phelps nói. "Tôi nghi ngờ cô ấy là người mẫu của một nghệ sĩ nào đó và hình ảnh của cô ấy đã được sử dụng để tạo ra một mặt nạ được sử dụng cho mục đích thực hành mỹ thuật".

Cái chết của một cô gái vô danh ở Paris đã dạy chúng ta: Sự sống có thể truyền lại qua những nụ hôn
Resusci Anne, trong vai trò một công cụ thực hành CPR, đã giúp hàng triệu người được truyền lại sự sống.

Nhưng trong khi huyền thoại có thể chỉ vẽ lên một câu chuyện tuyệt vời và hấp dẫn, sự vắng mặt của mọi manh mối khiến chúng ta có thể tự nhủ mình rằng việc giải mã bí ẩn này chẳng còn quan trọng nữa.

Bạn chỉ cần biết khuôn mặt ấy là của một cô gái nào đó đã sống ở Paris trong thế kỷ 19. Nhưng nó đã sống dưới hình hài của cả Cô gái vô danh và Resusci Anne. Trải qua hơn 1 thế kỷ, khuôn mặt đã trở thành một biểu tượng kết nối các thế hệ.

Nó từng là hình tượng của nghệ thuật, của các cô gái. Và sau này còn trở thành một thứ gì đó quan trọng hơn: khuôn mặt của một công cụ giảng dạy cứu sinh giúp hàng triệu người quay trở lại cuộc sống.

Cái chết của một cô gái vô danh ở Paris đã dạy chúng ta: Sự sống có thể truyền lại qua những nụ hôn
"Cô ấy trông như đang ngủ và vẫn đang chờ đợi một Hoàng tử đến đánh thức".

Cuối cùng, điều gì đã khiến cho một cô gái đã chết, được kéo lên từ sông Seine và an táng trong một ngôi mộ không được đánh dấu có sức sống đến vậy? Đó là một câu hỏi kích thích trí tưởng tượng vô biên của tất cả chúng ta.

Nhìn vào khuôn mặt ấy, chúng ta có thể thấy những nét bình an còn sót lại, một thứ gì đó không thể định nghĩa được, thu hút sự chú ý của chúng ta, mời gọi chúng ta đánh thức cô ấy, để tạo ra một kỹ thuật hồi sinh cô ấy, cố gắng cứu cô ấy sống lại.

Như lời Pascal Jacquin, một Thiếu tướng cảnh sát ở Paris nói với BBC năm 2013: "Cô ấy trông như đang ngủ và vẫn đang chờ đợi một Hoàng tử đến đánh thức".

Loading...
TIN CŨ HƠN
Lịch sử 600 năm của chiếc kính cận

Lịch sử 600 năm của chiếc kính cận

Thế kỷ 13, châu Âu đã có kính lồi cầm tay để khắc phục viễn thị nhưng phải đến 200 năm sau, kính cho người cận thị mới xuất hiện.

Đăng ngày: 22/04/2019
Cô gái 29 tuổi này là người giúp tìm ra lỗ đen chấn động thế giới

Cô gái 29 tuổi này là người giúp tìm ra lỗ đen chấn động thế giới

Katie Bouman tham gia phát triển thuật toán được sử dụng cho Kính thiên văn Event Horizon, hệ thống chụp được hình ảnh đầu tiên về hố đen vũ trụ.

Đăng ngày: 12/04/2019
Người con mang

Người con mang "gene xấu" của thiên tài Albert Einstein

Nhà bác học Albert Einstein từng có mối quan hệ căng thẳng với người con trai cả mà ông cho là không thừa hưởng trí tuệ cũng như con đường mà ông đã đi.

Đăng ngày: 22/03/2019
Nhà khoa học nữ chuyên

Nhà khoa học nữ chuyên "thuần hóa" chất thải

Làm lành tính chất thải thô gây hại cho môi trường từ lâu là công việc quen thuộc của PGS Đồng Kim Loan.

Đăng ngày: 06/03/2019
Sự thật bàng hoàng về

Sự thật bàng hoàng về "cha đẻ" của bom nguyên tử

Người sáng tạo ra bom nguyên tử là nhà khoa học Julius Robert Oppenheimer. Ông là người đứng đầu dự án Manhattan - dự án nghiên cứu và chế tạo bom nguyên tử của Mỹ năm 1942.

Đăng ngày: 04/03/2019
Những thiên tài nhí khiến người lớn cũng phải thán phục

Những thiên tài nhí khiến người lớn cũng phải thán phục

Họ là những thiên tài nổi tiếng ngay từ khi còn rất nhỏ và từ thủa thơ ấu đã làm được những việc mà không nhiều người trưởng thành có thể thành công như họ.

Đăng ngày: 21/02/2019
Cha đẻ của thuật ngữ

Cha đẻ của thuật ngữ "nóng lên toàn cầu" qua đời

Giáo sư Wallace Smith Broecker, Đại học Columbia từng dự đoán chính xác mức tăng hàm lượng carbon dioxide trong không khí khiến Trái Đất nóng lên.

Đăng ngày: 20/02/2019
Tiêu điểm
Khoa Học News