Cần phát hiện sớm u não ở trẻ em
U não là sự phát triển bất thường của một loại tế bào thần kinh và đứng thứ hai trong các bệnh ung thư ở trẻ em. Tỷ lệ mắc u tiên phát ở khoảng 2-3/100.000 trẻ, nam nhiều hơn nữ. Đây là bệnh nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ, do vậy cần được phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
Những biểu hiện cần chú ý
U não (Ảnh: ND) |
Các triệu chứng thần kinh thường gặp
Đầu to, thóp phồng, giãn khớp sọ. Mắt bị phù gai thị, sụp mi, giãn đồng tử, đồng tử không cân xứng, lác mắt, mất thị lực. Trẻ mất thăng bằng, mất phối hợp động tác, tăng phản xạ. Nhiều trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7, hoặc liệt nửa người, hoặc liệt hai chi dưới. Trẻ có thể bị lú lẫn, sững sờ hoặc hôn mê. Nếu khám toàn trạng sẽ thấy trẻ chậm lớn, dậy thì sớm hoặc muộn, cổ cứng.
Phân loại
U não được chia làm hai loại: u trên lều não và u hố sau. Tùy vị trí khối u mà có các biểu hiện lâm sàng đối với u trên lều tiểu não:
* U bán cầu: Loại u này phát triển chậm hàng năm mà lâm sàng chỉ biểu hiện co giật hoặc đau đầu. Thường được phát hiện khi kích thước khối u to gây tăng áp lực sọ não hoặc co giật không kiểm soát được. Khi u quá to, bị vỡ ra gây chảy máu trong u làm tăng thêm mức độ cấp tính, nguy kịch của bệnh. U quá to cũng chèn ép não làm tắc sự lưu thông của dịch não tủy. Hầu hết các u tiến triển bán cấp, triệu chứng có hàng tháng trước đó.
Khi thăm khám, nếu khe khớp giãn các bác sĩ dễ dàng biết là u to trong não. Nếu u ở sâu trong vùng trán ít ác tính, phát triển chậm không gây rối loạn chức năng não nghiêm trọng. Phần lớn các u bán cầu não là u tế bào thần kinh đệm: hình sao, tế bào ít đuôi gai.
* U sọ hầu: Là loại u phát triển ở vùng tuyến yên. Trẻ mắc phải loại u này sẽ bị mất thị lực do u xâm lấn thị giác, bị lùn do tổn thương tuyến yên. Tuy nhiên có trẻ chỉ biểu hiện đau đầu.
* U thị giác: Gặp trong u sợi thần kinh, là loại u tế bào thần kinh đệm, đây là bệnh làm trẻ mất thị lực trầm trọng.
* U tuyến tùng: Trẻ bị loại u này thường dậy thì sớm, có hội chứng tăng áp lực sọ não.
* U sàn não thất III: Đây là loại u xâm lấn nhân dưới đồi thị, có biểu hiện co giật, xuất hiện những cơn cười, dậy thì sớm, rối loạn hình vi, tác phong.
* U đồi thị: Biểu hiện lâm sàng ở trẻ này đôi khi chỉ có hội chứng tăng áp lực sọ não, đau đầu, béo phì.
Đối với u hố sau, gồm có các loại sau:
* U nguyên tủy bào thần kinh: Đây là loại u hay gặp nhất ở trẻ em, u phát triển ở trung tâm tiểu não, sàn não thất IV, xâm lấn não thất IV, làm tắc lưu thông dịch não tủy, sớm gây giãn não thất. Trẻ bị loại u này sẽ nôn, đau đầu, có hội chứng tiểu não, thay đổi cá tính, mất ngủ, giảm trương lực cơ... Loại khối u này theo đường dịch não tủy có thể di căn xuống tủy sống.
* U tế bào hình sao dạng nang: Đây là u của bán cầu tiểu não, u tròn hình nang có nhu mô lẫn dịch. U này khi phát triển có thể tích lớn làm biến dạng tiểu não và não thất IV.
* U thân não: Khởi đầu của loại u này là liệt đơn độc một dây thần kinh số 6, sau đó trẻ yếu nửa người, có trường hợp xuất hiện nói khó, nói ngọng, uống nước sặc, ăn nghẹn, sau tiến tới yếu nửa người bên đối diện. Cũng là một loại u của tế bào thần kinh đệm. Loại u này rất nguy hiểm đến tính mạng, tiên lượng tử vong cao trong vòng 6 tháng, có thể kéo dài thêm sự sống nếu là u sợi thần kinh.
Việc phát hiện và chẩn đoán bệnh phụ thuộc vào vị trí và tính chất của khối u. Trong đó triệu chứng chung là tăng áp lực sọ não, đau đầu, nôn, mệt mỏi, thay đổi tính khí, học tập sa sút, co giật, ở trẻ nhỏ thì vòng đầu to. Nếu soi đáy mắt sẽ có biểu hiện phù gai thị.
Khi được phát hiện bệnh, phần lớn các trường hợp phải tiến hành phẫu thuật kết hợp với điều trị hóa chất và tia xạ. Trong quá trình điều trị trẻ phải được ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tránh những căng thẳng về thần kinh, tạo cho trẻ một môi trường lành mạnh, vui tươi.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Ninh Thị Ứng - Bệnh viện Nhi Trung ương