Cảnh sát khuyến cáo cách mua thang dây, mặt nạ phòng khói ở chung cư
Thứ bảy, 16/9/2023, 00:10 (GMT+7)
Sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, nhiều người rỉ tai nhau mua thang dây thoát hiểm, chị Thanh Hà định mua song nghĩ với tầng 30 đang ở, liệu thang có tác dụng không?
Tối 14/9, nhóm chợ chung cư online của chị Hà (40 tuổi, trú quận Thanh Xuân) nổi lên một tin bán hàng đánh đúng vào sự lo lắng của nhiều người suốt những ngày qua: "Dây thang thoát hiểm với lực kéo tới 1.000 kg là sản phẩm cần có cho các nhà chung cư và nhà cao tầng khi chẳng may xảy ra sự cố. Dây được làm bằng vật liệu chống cháy dễ sử dụng cho cả người già và trẻ nhỏ, với nhiều cỡ chiều dài từ tầng 10 tới tầng 37".
Nhiều cư dân đã đặt hàng dù thang dây có giá không rẻ, tới gần 5 triệu đồng. Nhưng vợ chồng chị Hà hoài nghi về tính khả thi của thiết bị này với độ cao lên tới tầng 37 như cam kết. "Không mua thì bất an, nhưng mua thì ở tầng cao thế này, không biết có thực sự hiệu quả không nữa", chị nói.
Đây cũng là một trong nhiều câu hỏi độc giả về kỹ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn tại chung cư. Thiếu tá Nguyễn Danh Luân, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, giải đáp như sau:
Thang dây thoát nạn sẽ phát huy hiệu quả ở tầng bao nhiêu?
Người dân chỉ nên mua thang dây để sử dụng cho những tầng thấp, khoảng tầng 3, 4, 5. Tuy nhiên, trẻ em sẽ khó sử dụng vì cần phải có sức khỏe để giữ thang khi bị nghiêng hoặc các bậc thang rung lắc.
Với tầng 30, nhà chị Hà không nên mua thang dây bởi ở độ cao này việc sử dụng thang dây sẽ rất nguy hiểm. Thang dây khi lắp ở độ cao khoảng 100m sẽ nhiều rủi ro, người sử dụng rất dễ bị rơi, ngã dẫn đến tử vong.
Theo khuyến cáo của thiếu tá Luân, chỉ nên dùng thang dây ở các tầng nhà từ 5 trở xuống. (Ảnh: Ngọc Thành).
Người dân có nên mua bình cứu hỏa, mặt nạ chống khói?
Đối với căn hộ, nhà ống, nhà liền kề, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, việc trang bị bình chữa cháy, mặt nạ phòng khói, khí độc là cần thiết. Các gia đình ở dạng nhà ống, nhà liền kề, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh nên trang bị thêm búa, rìu, kìm cắt, các thiết bị cảnh báo cháy sớm để có thể phát hiện sớm các đám cháy hoặc phá dỡ cấu kiện để thoát nạn.
Người dân khi mua bình chữa cháy, mặt nạ phòng khói, khí độc cần tìm đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy có uy tín. Khi mua, người dân cần kiểm tra giấy tờ xuất xứ, CO (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa - Certificate of Origin) và CQ (giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa - Certificate of Quality)...
Đối với bình chữa cháy, người dân cần xem tem bảo hành dán trên vỏ phải có dấu của công ty cung cấp; kiểm tra trọng lượng xem có khớp với thông số kỹ thuật ghi trên bình hay không; kiểm tra chốt niêm phong, vỏ bình không có vết trầy xước hay bị sơn lại.
Nếu là bình đang sử dụng, người dân phải kiểm tra định kỳ tối thiểu một tháng/lần. Trong đó với kim đồng hồ đo áp suất, nếu chỉ vạch đỏ thì phải nạp, vạch xanh thì bình vẫn hoạt động tốt.
Bạn cũng nên cân bình để xem trọng lượng có bị giảm đi trong quá trình sử dụng hay không để có biện pháp làm đầy, thay mới...
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân cho hay cần nắm rõ các loại bình chữa cháy tương ứng với nguồn cháy để đạt hiệu quả cao, tránh làm đám cháy phát triển lớn hơn. (Ảnh: Bộ Nội vụ).
Dùng bình chữa cháy không phù hợp có thể làm lửa bùng to hơn?
Bình chữa cháy có nhiều loại (bình khí, bình bột, bình foam), hiện nay người dân chủ yếu sử dụng bình bột và bình khí.
Đối với lửa cháy điện, điện tử, bạn nên dùng bình khí chữa cháy bởi không làm hư hỏng các thiết bị như bình dạng bột.
Bình khí chữa cháy thích hợp với đám cháy buồng, phòng, hầm, nơi kín khuất gió nhưng không hiệu quả với đám cháy ngoài hay nơi thoáng gió vì CO2 khuyếch tán nhanh trong không khí.
Nếu dùng không đúng với tính chất cháy thì hiệu quả dập lửa không cao song không làm lửa phát triển lớn hơn.
Cách phân biệt các loại bình có thể dựa vào mắt thường. Loa phun nhỏ, có đồng hồ đo áp suất ở cổ bình là bình bột. Loa phun lớn, không có đồng hồ đo áp suất là bình khí.
Hàng chục xác phương tiện của người dân tại hiện trường vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, ngày 13/9. (Ảnh: Giang Huy).
Tại chung cư, việc sạc xe đạp, xe máy điện nên tổ chức thế nào?
Đối với chung cư, hộ dân có xe đạp, xe máy điện, khu vực nạp sạc phải gần khu vực lối ra vào, thông thoáng, cách xa khu vực để ôtô, xe máy và có người trông coi 24/24h; không sạc ngay khi vừa đi về. Ban quản lý nên quy định thời gian ngắt điện nạp sạc vào buổi tối.
Chủ xe cần bảo dưỡng định kỳ, thay thế các thiết bị hư hỏng bằng linh kiện chính hàng, rõ nguồn gốc xuất xứ, không nên trang bị thêm đồ trên xe (độ xe) để tránh việc pin bị quá tải.