Cặp đôi 4.000 năm nằm với tư thế gần gũi trong mộ cổ đầy vàng
Các nhà khảo cổ vừa tìm thấy hài cốt của một cặp đôi thiếu niên trong trạng thái đặc biệt có niên đại khoảng 4.000 năm. Cặp đôi này được cho là đến từ các gia đình quý tộc.
Tờ The Sun hôm 29/7 đưa tin, hài cốt được tìm thấy trong một ngôi mộ cổ ở Kazakhstan.
Hai bộ xương với tư thế thân mật được tìm thấy ở Kazakhstan.
Các nhà khảo cổ học bị thu hút khi phát hiện hai bộ xương quay mặt vào nhau, một tư thế hiếm thấy khi khai quật các ngôi mộ. Cặp đôi "Romeo và Juliet thời cổ đại" này được cho là chết khi mới 16 hoặc 17 tuổi.
"Hai bộ xương quay mặt vào nhau khiến chúng tôi cảm thấy lạ. Bên trong mộ còn phát hiện nhiều đồ vật giá trị chôn cùng cặp đôi trẻ này", nhà khảo cổ học Igor Kukushkin cho biết.
Vòng tay và kho báu vàng, đồng cũng được phát hiện trong ngôi mộ.
Giới nghiên cứu cho biết cả hai có thể đến từ các gia đình quý tộc cách đây 4.000 năm. Kho báu vàng và đồng được tìm thấy bên trong ngôi mộ cùng vòng tay, dây chuyền, nhẫn, vòng tai vàng trên bộ xương của cô gái trẻ.
Một giả thuyết cho rằng cặp đôi này yêu nhau và được chôn chung. Trước khi chết, họ quay vào nhìn nhau lần cuối. Đó có thể lý giải vì sao hai bộ xương lại quay mặt vào nhau khi được phát hiện.
Tuy vậy, nguyên nhân dẫn đến cái chết của cặp đôi trẻ vẫn là điều bí ẩn.
Ngôi mộ của nữ tu sĩ nằm cạnh mộ của cặp đôi trẻ.
Cạnh ngôi mộ của cặp đôi trẻ, các nhà khảo cổ còn phát hiện ngôi mộ nghi của một nữ tu sĩ.
"Người phụ nữ này được chôn với 7 chiếc lọ, tro cốt và một hộp sọ. Các ngôi mộ xung quanh đều bị cướp riêng ngôi mộ này lại không bị động tới. Có thể, thứ gì bên trong mộ khiến lũ cướp sợ hãi. Số 7 là con số không bình thường", Kukushkin cho hay.
Kazakhstan là "kho báu" với giới khảo cổ khi rất nhiều tạo vật cổ được tìm thấy tại quốc gia Trung Á này. Năm 2018, một kho báu đồ trang sức bằng vàng niên đại 2.800 năm được khai quật tại đây. Kho báu này gồm 3.000 đồ vật bằng vàng được chôn cất tại vùng núi Tarbagatai hẻo lánh. Nó được cho là thuộc về vua chúa hoặc một tộc người thượng đẳng thời cổ đại.