Cây nhiệt đới cao nhất thế giới cao 100,8 m, nặng 81,5 tấn
Cây nhiệt đới cao nhất thế giới hiện sống ở Malaysia, tên là “Menara” (trong tiếng Malaysia nghĩa là “Tháp”), cao 100,8 m, nặng 81,5 tấn không tính rễ.
Các nhà khoa học Anh và Malaysia vừa vất vả trèo lên cây Menara để đo chiều cao cây bằng thước dây cho chính xác, Live Science đưa tin ngày 6/4. Nếu cây nằm trên mặt đất thì dài hơn chiều dài sân bóng đá. Menara đã phá kỷ lục trước đó là một cây bạch đàn (Eucalyptus regnans) trên đảo Tasmania của Úc – cao 99,6 m.
Các nhà khoa học ước tính, trọng lượng của cây Menara (không tính rễ) là 81,5 tấn, nặng hơn trọng lượng tối đa khi cất cánh của máy bay chở khách Boeing 737-800, theo National Geographic.
Menara cũng là cây có hoa cao nhất thế giới. Cây sống trong rừng mưa nhiệt đới ở bang Sabah nằm trên đảo Borneo.
Bằng cách nghiên cứu Menara, các nhà khoa học hy vọng hiểu được cách thức các loài cây phát triển cao và liệu có yếu tố nào giúp chúng cao hơn nữa hay không.
Menara thuộc loài cây thân gỗ Shorea faguetiana, họ Dipterocarpaceae sống trong các khu rừng mưa vùng đất thấp ẩm ướt ở Đông Nam Á.
Các nhà khoa học Anh và Malaysia phát hiện ra cây Menara cao nhất thế giới khi dùng công nghệ laser tên là lidar. Máy bay mang theo thiết bị lidar bay trên cao rồi bắn các xung laser xuống phía dưới. Chúng dội lại khi chạm tán rừng và mặt đất, cung cấp dữ liệu để làm bản đồ tô-pô.
Sau khi xem xét dữ liệu, các nhà nghiên cứu tới thực địa để quan sát cây Menara vào tháng 8/2018. Tại đây, họ quét cây bằng laser mặt đất để tạo ra các hình ảnh 3D có độ phân giải cao. Họ cũng chụp ảnh từ trên cao bằng cách sử dụng máy bay không người lái (drone). Một người địa phương tên là Unding Jami leo trèo rất giỏi đã trèo lên Menara vào tháng 1/2019 để dùng thước dây đo chính xác độ cao của cây.
Trèo lên cây nhiệt đới cao nhất thế giới không dành cho người yếu tim. Ảnh: National Geographic.
“Đợt trèo này rất sợ, gió quá trời. Nhưng nói thật, cảnh trên ngọn cây thì quá đỉnh. Tôi không biết nói sao, chỉ có thể là rất, rất, rất tuyệt vời”, Jami nói.
Cây cao thì dễ bị gió tác động tiêu cực nhưng nhờ vị trí yên bình trong một thung lũng, Menara không bị đổ gãy gì cho đến tận hôm nay. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể ngăn cản cây không cao thêm, như cây vất vả với việc đưa nước từ rễ lên các nhánh ở trên cao nhất.