Chấn thương rách cơ đùi nguy hiểm thế nào?
Cơ đùi nếu tổn thương nặng, rách hoặc đứt cơ sẽ nghe thấy tiếng đứt "phựt", đau dữ dội, mất hoàn toàn chức năng, cần phải nhập viện.
Rách cơ đùi sau là một trong những tổn thương thường gặp trong bệnh cảnh căng cơ (Muscle Strains). Căng cơ là tình trạng cơ bị kéo căng dãn quá mức hoặc thậm chí bị rách một phần hặc đứt hoàn toàn, thường xảy ra trong những hoạt động thể dục thể thao cường độ cao. Tất cả các cơ đều có thể bị tổn thương nhưng thường gặp nhất ở vị trí cơ đùi, cơ thắt lưng và cơ vùng cổ gáy. Khi bị tổn thương nhẹ, chúng ta có thể chỉ cần nghỉ ngơi một thời gian, tuy nhiên nếu tổn thương nặng, rách hoặc đứt cơ hoàn toàn thì việc nhập viện điều trị, thậm chí phẫu thuật là điều cần thiết.
Tổn thương căng cơ được chia làm 3 mức độ. Tổn thương mức độ nhẹ, chỉ vài sợi cơ bị kéo căng hoặc bị đứt. Mặc dù tổn thương gây đau nhưng sức mạnh của khối cơ đó vẫn được đảm bảo. Điều trị chỉ cần nghỉ ngơi và tiên lượng rất tốt, hồi phục nhanh. Tổn thương mức độ vừa, có một số lượng tương đối lớn các sợi cơ bị đứt, khối cơ bị giảm sức mạnh tuy nhiên đau chỉ ở mức độ vừa, bệnh nhân vẫn có thể vận động được. Tổn thương nặng nề nhất, cả khối cơ bị đứt rời, đôi khi chúng ta còn nghe thấy tiếng "phựt" do cơ bị đứt, thậm chí sờ thấy "đường vết" lõm do cơ đứt tạo ra. Bệnh nhân đau dữ dội, bầm tím và tụ máu nhiều, mất hoàn toàn chức năng vùng vận động do cơ đó chi phối.
Chấn thương cơ đùi 3 mức độ. Từ trái qua phải: tổn thương nhẹ, tổn thương vừa, tổn thương nặng nhất. (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).
Dấu hiệu cần nghĩ đến khi bị căng cơ, là sau một va chạm hay tai nạn, khi một vùng cơ nào đó xuất hiện một hoặc nhiều những triệu chứng như đau nhói một vùng cơ, thường gặp cơ đùi trước, đùi sau, thắt lưng hoặc vai gáy, bầm tím; sưng nề một vùng cơ, ấn vào đau tăng lên; khó khăn khi vận động hoặc khi vận động cơn đau tăng lên, gân cơ bị yếu. Khi rách cơ hoàn toàn có thể nghe thấy tiếng "phựt", vết lõm dưới da vùng cơ bị đứt khi cơ bị đứt hoàn toàn.
Sau tai nạn hoặc chấn thương, nếu nghi ngờ bị căng cơ, cần nghỉ ngơi ngay lập tức và cẩn thận nhất là tìm đến bác sĩ giúp chẩn đoán xác định bệnh cũng như mức độ tổn thương cơ. Khi đó mới có phác đồ điều trị hợp lý nhất cũng như rút ngắn nhất có thể thời gian hồi phục tổn thương và tránh tái phát.
Một trong những phương pháp hiệu quả nhất để phục hồi căng cơ tại nhà là kỹ thuật RICE, cụm từ viết tắt của những nội dung điều trị.
- R-Rest là nghỉ ngơi. Đây là điều tối quan trọng giúp các khối cơ có thời gian hồi phục cũng như "sửa chữa" những tổn thương.
- I-Ice là chườm đá. Sử dụng túi nước đá phủ lên cơ bắp bị tổn thương trong 10 đến 15 phút mỗi lần có thể giúp giảm sưng và viêm rất rõ ràng. Giải pháp này nên áp dụng trong vòng 24 giờ sau khi bị thương tổn.
- C-Compression là băng ép. Nếu có thể, áp dụng băng ép để giảm sưng nề cũng như giúp các khối cơ được nghỉ ngơi. Có thể sử dụng vải hoặc băng thun để quấn đùi, cổ chân, cổ tay hay cẳng chân bị thương tổn với một lực nén vừa phải.
- E-Elevation hiểu là treo cao chi thể bị tổn thương. Nâng một cánh tay hoặc chân bị thương có thể giúp giảm sưng nề và cho phép máu dịch chảy ngược về tim dễ dàng hơn.
Ngoài việc sử dụng phương pháp RICE, có thể dùng thuốc để kiểm soát cơn đau và giảm sưng viêm. Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen giúp giảm cả đau và viêm. Acetaminophen có thể giảm đau nhưng không có đặc tính chống viêm như NSAID. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm thuốc giãn cơ, chống phù nề.
Tổn thương căng cơ nhẹ nhàng (độ 1), thường chỉ cần nghỉ ngơi vài tuần là có thể hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên với những tổn thương cơ đứt rời, cần nhập viện điều trị chuyên sâu hoặc thậm chí phẫu thuật khâu phục hồi khối cơ đứt, tiên lượng thời gian hồi phục sẽ kéo dài hơn rất nhiều.
Để dự phòng chấn thương căng cơ, cần khởi động kỹ các nhóm cơ trước khi vận động mạnh là điều vô cùng quan trọng giúp dự phòng những sang chấn. Thực hiện chế độ ăn uống và tập thể dục lành mạnh mỗi ngày để duy trì cân nặng cũng như tăng sức chịu đựng cho các khối cơ. Cùng với đó, duy trì cân nặng phù hợp. Trọng lượng dư thừa có thể gây thêm áp lực dồn nén lên cơ bắp, làm cho căng cơ có nhiều khả năng xảy ra hơn.
Ngoài ra, lưu ý khi nâng vật nặng vì đây là động tác dễ bị căng khối cơ vùng thắt lưng hoặc vai gáy nhất. Sử dụng bảo hộ lao động, những dụng cụ hỗ trợ khi chơi thể dục thể thao như giày phù hợp, bó gối, băng đùi, đai lưng... cũng là giải pháp giúp giảm nguy rủi ro bị căng cơ. Với vận động viên chuyên nghiệp, tuân thủ những bài hướng dẫn của huấn luyện viên thể chất cũng như bác sĩ riêng là vô cùng quan trọng.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh
Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hà Nội