Chảo chống dính có an toàn không?
Đồ bếp có lớp chống dính ra đời như một “cuộc cách mạng” được mọi người hồ hởi đón nhận. Nhưng thật ra nó có an toàn không?
Thông thường khi nói đến độ an toàn của đồ bếp chống dính, mọi người thường nghĩ đến teflon, một loại nhựa có tên khoa học là polytertrafluoroethylene (nhựa PTFE). Lớp nhựa trong suốt này được phủ lên bề mặt của nồi, chảo kim loại tạo nên lớp bề mặt trơn nhẵn như sáp, dễ lau rửa. Và nhiều chục năm qua, các nhà khoa học vẫn tranh cãi liệu nó có an toàn trong nấu ăn hay không.
Đa số các chuyên gia cho rằng bản thân teflon không gây ra vấn đề gì. Lớp phủ này được coi là không gây độc. Ngay cả nếu bạn có nuốt phải một mảnh bé tí thì nó cũng theo đường tiêu hóa và thoát ra khỏi cơ thể bạn. Nhưng một số chuyên gia cho rằng khi teflon bị nung quá nóng, vấn đề sẽ xảy ra. Bà Suzanne Fenton – bác sĩ chuyên khoa nội tiết sinh sản của Viện Khoa học Sức khỏe môi trường quốc gia, Mỹ - cho biết khi chảo chống dính bị nóng quá, lớp PTFE bắt đầu phân rã và giải phóng ra các khí độc. Trong một số trường hợp hiếm hoi, người hít phải các khí độc này có thể bị sốt xông khói nhựa, với biểu hiện sốt cao, thở gấp và yếu mệt. Các loại khí này cũng đủ độc hại để làm chết một số loài chim, chẳng hạn như bóng đèn tráng teflon đã làm chết hết gà của nhiều trang trại. Và nguy hiểm nhất là chất perfluorooctanoic acid (PFOA), một trong những hóa chất giải phóng ra khi chảo chống dính nóng lên. Việc tiếp xúc nhiều với PFOA có liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh tuyến giáp.
Không phải tất cả các nhà nghiên cứu đều cho rằng mọi người nên cảnh giác với chảo chống dính cũ đến mức lớp chống dính hư hại. Một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng chưa có nghiên cứu nào phân tích cụ thể các tác động lâu dài của chảo chống dính lên sức khỏe con người. Thay vào đó, chỉ có các nghiên cứu tập trung vào tác hại của hóa chất là sản phẩm phụ đi kèm với chất chống dính, như PFOA chẳng hạn. Phần lớn các số liệu về các chất độc hại này được thu thập từ những ca phơi nhiễm trong môi trường, như là nước uống hoặc dụng cụ trong nhà máy, những tình huống mà mức phơi nhiễm cao hơn rất nhiều so với việc sử dụng đồ bếp chống dính. Giáo sư Kyle Steenland của Trường đại học Emory, Mỹ, chuyên gia về sức khỏe môi trường, nói rằng “nhìn chung, chảo chống dính không nguy hiểm”.
Giáo sư Steenland và nhiều nhà khoa học khác cũng cho rằng mọi người không nấu thức ăn ở nhiệt độ cao đến mức để xảy ra các phản ứng hóa học này. Ông nói rằng nếu chảo nóng đến mức độ hỏng cả lớp chống dính thì cũng đủ đến mức cháy nhà rồi.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy chảo rất dễ bị đốt nóng đến mức teflon phân hủy. Một nhóm nghiên cứu ở Canada đã công bố kết quả nghiên cứu vào năm 2001 trên tạp chí Nature cho biết teflon phân hủy ở nhiệt độ 360 độ C. Một nghiên cứu khác công bố vào năm 2017 cho biết nếu một chiếc chảo chống dính đặt trên lửa bếp ở mức nhiệt độ cao trong 8 phút thì nó có thể đạt đến nhiệt độ 399 độ C. Ở mức nhiệt thấp hơn, lớp phủ teflon vẫn phân hủy theo thời gian. Nếu bạn thường xuyên để chảo nóng đến 127 độ C, tức là mức nhiệt chúng ta làm bít tết, thì chiếc chảo của bạn chỉ ổn định trong vòng khoảng hơn 2 năm.
Luôn để ý khi dùng chảo chống dính sẽ giúp cho căn bếp của bạn an toàn. Điều quan trọng là bạn chỉ nên dùng chảo ở mức nhiệt thấp hoặc trung bình, và không dùng những dụng cụ có thể làm xước lớp phủ này.
Nhưng trong một số trường hợp, tốt nhất là bỏ hoàn toàn chảo chống dính đi – giáo sư Fenton nói – nhất là nếu bạn đang mang thai, cho con bú hay có con nhỏ. PFOA đặc biệt đi cùng với những vấn đề về sự phát triển của trẻ em. Đó là vì hóa chất này được coi là một chất gây rối loạn nội tiết, tức là nó ảnh hưởng xấu đến hệ nội tiết của cơ thể. Một nghiên cứu năm 2012 cho biết tiếp xúc với PFOA gây ra tình trạng tăng mạnh estrogen ở chuột đực và chậm phát triển tuyến vú ở chuột cái. Ở người, hóa chất này có liên quan đến bệnh béo phì, tiểu đường, tinh trùng kém chất lượng và rối loạn chu kỳ kinh nguyệt – là những dấu hiệu sớm của rối loạn nội tiết.
May mắn là chúng ta có rất nhiều các lựa chọn khác để giữ cho chảo được sạch, không bị bám cháy thức ăn. Đồ bếp làm bằng nhôm anod (một sản phẩm chống ăn mòn và trầy xước) và bằng gốm cũng chống dính và an toàn tuyệt đối. Nếu được sử dụng đúng cách thì chảo gang cũng là một loại chảo chống dính và không độc, đồng thời tăng dinh dưỡng cho thức ăn do bổ sung sắt cần cho tạo máu.