Chế độ ăn mới có thể cứu sống hàng triệu người bị tiểu đường loại 2
Một phát hiện lớn về biện pháp chữa trị bệnh tiểu đường loại 2 bằng cách thay đổi chế độ ăn vừa được các nhà khoa học trường đại học Newcastle (Anh) công bố, theo tờ báo Anh Daily Mail.
Theo đó, một chế độ ăn có hàm lượng calorie thấp với 600 calorie hàng ngày trong 8 tuần có thể giúp cho hàng triệu người đang mắc bệnh tiểu đường loại 2 trên toàn thế giới cải thiện sức khỏe của mình.
Theo các nhà khoa học, tiêu thụ calorie quá mức sẽ làm gan béo hơn và sản xuất nhiều glucose (đường) hơn dưới dạng mỡ. Khi tuyến tụy tiếp nhận nhiều chất béo dư thừa thì không còn khả năng sản xuất insulin nên gây ra bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu mới cho thấy nếu chất béo trong tuyến tụy giảm đi ít hơn 1 gam thì tuyến tụy đã có thể tái sản xuất insulin trở lại, đảo ngược căn bệnh nguy hiểm mang tên tiểu đường loại 2.
Trung bình, một chế độ ăn với hàm lượng calorie thấp như trên có thể giúp giảm cân 15kg. Và giảm cân là phương pháp giúp đảo ngược bệnh tiểu đường mà khoa học đã biết từ lâu.
Quá trình đảo ngược này vẫn có thể xảy ra với những trường hợp đã phát bệnh tới 10 năm, trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Roy Taylor cho biết.
Nghiên cứu mới cho rằng một chế độ ăn 600 calorie hàng ngày trong 8 tuần có thể cứu sống hàng triệu người đang mắc bệnh tiểu đường loại 2 trên toàn thế giới.
Những khám phá mới trong nghiên cứu
Kết quả thực nghiệm cho thấy độ nhạy cảm với insulin của cơ thể đã thay đổi mạnh mẽ chỉ trong vòng một tuần sau khi bắt đầu chế độ ăn mới. (một trong 2 biểu hiện của bệnh tiểu đường loại 2 là cơ thể không còn nhạy bén với insulin để chuyển hóa đường trong máu hiệu quả).
Các bệnh nhân tiểu đường thường có nồng độ đường trong máu cao đáng kể thì nay tỉ lệ đường đã giảm và trở lại bình thường cũng trong vòng một tuần.
Giáo sư Taylor với 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu bệnh tiểu đường vui mừng cho biết phát hiện mới này thật sự có ý nghĩa với các bệnh nhân tiểu đường. "Nhiều người đã miêu tả với tôi về hiệu quả ấn tượng của một chế độ ăn ít calorie như lựa chọn duy nhất để phòng ngừa sự sụt giảm sức khỏe và các bệnh tật khác không thể tránh khỏi chỉ vì bệnh tiểu đường. Việc hiểu rõ các cơ chế nền tảng (của bệnh) đã giúp chúng tôi diễn giải được sự đơn giản của bệnh tiểu đường loại 2".
"Tin vui cho những bệnh nhân tiểu đường loại 2 là nghiên cứu của chúng tôi đã chứng minh rằng nếu bạn đã phát bệnh tới 10 năm, bạn vẫn có thể đảo ngược bệnh bằng cách loại bỏ mọi chất béo dù nhỏ nhất ra khỏi tuyến tụy".
Cho tới nay, phục hồi bệnh tiêu đường chỉ có thể thực hiện được bằng cách giảm đáng kể khối lượng cân nặng.
Trái với suy nghĩ của nhiều người là tiểu đường loại 2 không có hại, căn bệnh này lại chính là sát thủ giết người thầm lặng dẫn tới các bệnh tim mạch, mù mắt, bệnh thận, đoạn chi…
Tiểu đường tuýp 2 chính là sát thủ giết người thầm lặng dẫn tới nhiều căn bệnh khác. (Ảnh: benhtieuduong.net.vn)
Các thống kê cho thấy trên thế giới có khoảng 380 triệu người mắc bệnh tiêu đường loại 2, đứng đầu là nước Anh với 3,8 triệu người. Con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Cơ chế hoạt động của chế độ ăn mới
Theo giáo sư Taylor, khám phá từ phòng thí nghiệm cho thấy lượng chất béo thừa ở các tế bào sản xuất insulin khiến chúng mất đi khả năng chuyên môn của mình và rơi vào chế độ sống sót (survival mode), chỉ tồn tại chứ không đóng góp gì cho sức khỏe toàn diện của cơ thể. Khi chất béo dư thừa được loại bỏ, các tế bào này lại phục hồi khả năng chuyên môn của mình là sản xuất insulin.
Điều này đã giải thích trọn vẹn những quan sát trong các nghiên cứu lâm sàng. Đáng ngạc nhiên hơn là chế độ ăn mới sáng chế thật sự là một công cụ thí nghiệm được những người tham gia nghiên cứu ưa thích. Sức khỏe của họ hầu hết đều tăng nhanh mà không bị đói và mệt mỏi.
Cũng theo Daily Mail, một khảo sát lớn được công bố cuối tuần trước cho thấy một phần ba người bệnh tiểu đường loại 2 không dùng thuốc. Nghiên cứu này do trung tâm tiểu đường Leicester thực hiện, khảo sát hồ sơ bệnh án của hơn 318 ngàn người mắc bệnh. Theo đó, nhiều người bối rối về số lượng chính xác các loại thuốc họ nên dùng mỗi ngày, trong đó có thuốc hạ đường huyết metformin để phòng ngừa các biến chứng phức tạp hơn.
Đánh giá của các chuyên gia
Những kết luận mới đã được các chuyên gia chào đón khi được trình bày tại Hiệp hội nghiên cứu về các bệnh tiểu đường Châu Âu.
Giáo sư Kamlesh Khunti đến từ trung tâm tiểu đường Leicester cho rằng "đây là một nghiên cứu tốt cho thấy các khẩu phần ăn ít calorie có thể hiệu quả với những người có động lực chữa bệnh cao. Tuy nhiên, triển khai biện pháp này với hầu hết mọi người sẽ là khó khăn".
Còn theo bác sĩ Elizabeth Robertson, giám đốc nghiên cứu Diabetes UK, các bằng chứng cho thấy bệnh tiểu đường loại 2 có thể thuyên giảm là một bước tiến có tính chuyển hóa đối với hàng triệu người. Tuy nhiên vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời, ví dụ như có phải tất cả mọi người đều thuyên giảm hay không, có hiệu quả trong dài hạn không, làm cách nào là tốt nhất để tiếp tục theo dõi những người đã thuyên giảm…
Chế độ ăn 5: 2 còn gọi là chế độ ăn "nhịn đói" (Fast Diet) nổi tiếng nhất trong các hình thức nhịn ăn do bác sĩ Michael Mosley nghĩ ra. 5:2 nghĩa là 5 ngày ăn như bình thường và hai ngày nhịn đối chỉ ăn 800 calorie. Chế độ này giúp cải thiện chức năng não và sửa chữa DNA.
Một nghiên cứu của trường đại học Manchester (Anh) vào năm 2011 đã cho thấy Fast Diet giúp gia tăng lượng chất béo giảm đi. Bản thân bác sĩ Mosley đã giảm gần 10kg trong 12 tuần và lượng đường trong máu lẫn cholesterol đều trở về bình thường sau khi bị chẩn đoán là tiền tiểu đường (pre-diabetic).
Bệnh tiểu đường là gì?
Theo trung tâm UNESCO về hỗ trợ sức khỏe cộng đồng, tiểu đường hay đái tháo đường là tình trạng đường trong máu gia tăng do rối loạn chuyển hóa chất bột đường (carbohydrate) kèm theo rối loạn chuyển hóa chất béo và chất đạm. Nguyên nhân rối loạn chuyển hóa là do tác dụng của insulin và/hoặc việc tiết insulin từ tuyến tụy bị giảm sút. Cơ thể thiếu insulin thì không thể chuyển hóa đường trong máu đến các tế bào trong cơ thể, do đó đường đi theo máu rồi bị đào thải qua nước tiểu (vì vậy mà có tên gọi bệnh tiểu đường). Đường là nguồn nguyên liệu chính cho cơ thể hoạt động nên khi đường không đến được tế bào thì sinh ra thiếu đường, mệt mỏi...
Tiểu đường loại 1 (tuýp/type 1) là tình trạng tuyến tụy không thể sản xuất insulin như bình thường làm cho cơ thể thiếu insulin trầm trọng.
Tiểu đường loại 2 là tình trạng tuyến tụy sản xuất không đủ insuline hoặc cơ thể suy giảm khả năng sử dụng insulin hoặc cả hai. Đây là dạng tiểu đường phổ biến nhất, thường gọi là tiểu đường sau tuổi trưởng thành.
Có 2 nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường loại 2: di truyền và dư thừa calo. Khi bạn nạp quá nhiều dinh dưỡng vào cơ thể mà thiếu vận động hợp lý, tuyến tụy bị ép buộc phải sản xuất quá nhiều insulin. Sau một thời gian dài, tuyến tụy sẽ bị suy yếu rồi mất dần khả năng sản xuất insulin.
Ảnh minh họa cơ chế bệnh tiểu đường loại 2. (Ảnh: DKNatura).
Giáo sư Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết bệnh tiểu đường đang tăng nhanh trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo tỷ lệ tiểu đường trên thế giới sẽ tăng 54% trong vòng 20 năm từ 2010 đến 2030.
Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh tiểu đường vào loại cao nhất thế giới với 5,4% dân số (khoảng 5 triệu người) theo số liệu năm 2012. Tỷ lệ này cao gấp đôi so với đầu những năm 2000. Tỉ lệ người Việt Nam trưởng thành mắc bệnh tiểu đường là 1 trên 20 người. Theo giáo sư Quang, đáng lo ngại hơn là tỷ lệ người mắc bệnh nhưng chưa được chẩn đoán cũng rất cao, lên đến 50%. Độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ, khoảng 30, thậm chí có trường hợp bị tiểu đường loại 2 khi mới 8-9 tuổi.