Chỉ mất 27 năm từ khi phát hiện ra đến khi tuyệt chủng, chuyện gì đã xảy ra với con vật khổng lồ này?
Chúng là một loài động vật khổng lồ, nhưng số phận lại hẩm hiu, chỉ trong vòng chưa tới 30 năm kể từ khi được con người phát hiện, sinh vật này đã phải chịu số phận tuyệt chủng.
Lợn biển luôn là loài động vật có ý thức tồn tại rất thấp. Trong vườn thú, chúng luôn bị cướp mất ánh nhìn chú ý của mọi người bởi những con hải cẩu và sư tử biển. Da sần sùi, thịt dày, tính tình hiền lành, tưởng chừng là ưu điểm, nhưng trên thực tế, đây lại chính là điều khiến cho sinh vật này khó trở thành tâm điểm của sự chú ý. Tuy nhiên, nếu loài "bò biển" được biết đến với cái tên Big Mac không bị tuyệt chủng, tình hình có thể sẽ đảo ngược.
Bò biển Steller (tên khoa học Hydrodamalis gigas) hay còn được biết đến với cái tên khác là Big Mac là một loài động vật có vú biển ăn thực vật lớn.
Loài người luôn khao khát và ngưỡng mộ những sinh vật khổng lồ. So với 4 loài thuộc chi Lợn biển còn tồn tại trên Trái đất, kích thước của loài bò biển Steller lớn hơn chúng rất nhiều.
Theo các dấu vết còn sót lại, chiều dài cơ thể của một con bò biển Steller trưởng thành trung bình là 10 mét và trong lượng của chúng lên tới 10 tấn. Trọng lượng này tương đương với 20 con lợn biển thông thường, và có thể coi đây là loài động vật biển có vú lớn thứ hai sau cá voi. Nhưng thật không may, kể từ khi được phát hiện, chúng chỉ có thể tồn tại trong vòng 27 năm rồi bị tuyệt chủng dưới bàn tay của con người.
Năm loài thuộc chi lợn biển là (từ trên trái qua phải, từ trên xuống dưới): lợn biển Amazon, lợn biển Tây Ấn Độ, lợn biển Tây Phi, Dugong (bò biển) và bò biển Steller (đã tuyệt chủng).
Xét về cái kết của sự tuyệt chủng, cuộc gặp gỡ đầu tiên của loài bò biển này với con người cũng đầy trớ trêu. Sự xuất hiện của chúng đã giải cứu những con người đang gặp "khó khăn", nhưng con người đã đưa toàn bộ "dân số" của loài động vật hiền lành này đi vào ngõ cụt.
Georg Wilhelm Steller là một nhà tự nhiên học và bác sĩ. Tuy nhiên, ông được Peter Đại đế chỉ định tham gia cuộc thám hiểm cùng Vitus Bering vào tháng 11 năm 1741. Và loài bò biển Steller được đặt theo tên của ông.
Mục đích của chuyến thám hiểm là tìm một con đường tắt để rút ngắn khoảng cách giao thương giữa Châu Âu và Trung Quốc. Thật không may, họ đã phải trải qua một vụ đắm tàu trên hành trình trở về. Đoàn thám hiểm đã bị mắc kẹt trên một hòn đảo hoang giữa Nga và Alaska. Hòn đảo nhỏ này nằm gần Bắc Cực, và thời điểm họ bị mắc kẹt đang là mùa đông nên khí hậu vô cùng khắc nghiệt.
Tệ hơn nữa, thuyền trưởng Vitus Bering đã chết vì bệnh Scurvy (tình trạng thiếu hụt vitamin C) vào tháng 12 năm đó. Kể từ đó, Georg Wilhelm Steller nhận trọng trách chỉ huy toàn bộ thủy thủ đoàn. Ông phải dốc hết kiến thức và khả năng của mình để dẫn dắt hàng chục thuyền viên đóng những con tàu mới trên đống đổ nát của thân tàu ban đầu. Chỉ bằng cách này, họ mới có thể rời khỏi nơi lạnh lẽo này và trở về đất liền.
Đảo Bering, nơi đoàn thám hiểm bị mắc kẹt, hình ảnh được chụp vào năm 1992.
Tuy nhiên, so với việc sửa chữa tàu, việc tìm kiếm thức ăn để sống sót qua mùa đông mới chính nhu cầu cơ bản nhất của toàn bộ đoàn thám hiểm. Trên hòn đảo nhỏ này, những thành viên của đoàn thám hiểm đã phát hiện ra nhiều sinh vật sống có thể được dùng là thức ăn, chẳng hạn như rái cá biển, sư tử biển phương Bắc và hải cẩu lông. Tuy nhiên, các nguồn thực phẩm này không ổn định. Vào thời điểm đó, nhu cầu thị trường của Nga đối với lông rái cá biển tăng đột biến, nó còn được gọi là "Cơn sốt lông" vào thế kỷ 18. Vì vậy, ngoài việc ăn thịt rái cá biển, thủy thủ đoàn còn thu thập thêm lông của chúng. Nói cách khác, họ không chỉ giết rái cá biển để làm thức ăn mà họ còn săn bắt để lấy lông dù vẫn còn đủ lượng thịt để duy trì sự sống. Chính bởi lý do đó mà số lượng của những con rái cá biển tại nơi đây đã suy giảm và nhanh chóng biến mất.
Khi số lượng rái cá biển dần trở nên khan hiếm, những thành viên còn lại của đoàn thám hiểm bắt đầu để mắt đến sư tử biển phương Bắc. Tuy nhiên, loài sư tử biển này không chỉ to lớn mà còn rất hung dữ và nhanh nhẹn, bởi vậy rất ít người dám lại gần và săn bắt chúng. Trong khi đó, loài hải cẩu lông lại sống trên một bờ biển khác của đảo Bering, và để có thể bắt được nó, phải mất rất nhiều công sức và thời gian di chuyển. Vì vậy, trong suốt mùa đông, nguồn thức ăn của đoàn thám hiểm đã trở nên rất thất thường - cho đến khi con bò biển Steller đầu tiên xuất hiện.
Một ngày nọ, khi Steller đang thu thập củi dọc theo bãi biển, ông nhận thấy có một bóng đen khổng lồ đang di chuyển gần bãi cạn. Cứ sau vài phút, cái bóng đen này sẽ ngoi lên mặt nước để thở. Theo các đặc điểm quan sát được, Steller sớm nhận ra đây là một con lợn biển hoặc bò biển, nhưng điều khiến ông cảm thấy ngỡ ngàng đó chính là kích thước của nó, chúng to lớn hơn bất kỳ loài nào trong chi lợn biển mà ông đã từng biết tới.
Kích thước của loài bò biển Steller khi so sánh với con người.
Và đây cũng được coi là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa con người và sinh vật khổng lồ bí ẩn này. Ngay tại thời điểm đó, Steller đã chú ý quan sát và ghi lại chi tiết thói quen cũng như đặc điểm của loài bò biển này. Vì vậy, sinh vật khổng lồ này còn được gọi là “bò biển Steller”.
Cá cúi Đông Nam Á là họ hàng gần của bò biển Steller, bên trái là sọ cá cúi hiện đại và bên phải là sọ của bò biển Steller.
Từ những ghi chép của Steller, bò biển Steller được xếp vào họ cá cúi (bò biển) trong chi lợn biển, tính cách của chúng cũng cực kì hiền lành. Vì vậy, Steller cũng mô tả loài con bò biển này là một "người khổng lồ hiền lành" .
Chúng có cơ thể rất lớn, với lớp mỡ dày từ 7 đến 10 cm. Và tỷ lệ diện tích bề mặt trên thể tích vượt trội này khiến bò biển trở thành loài duy nhất trong chi lợn biển có thể thích nghi với khí hậu băng giá.
Các loài thực vật dưới biển như tảo bẹ và rong biển là nguồn thức ăn duy nhất của chúng. Vì không có răng nên chúng chỉ có thể dùng đôi môi rộng và dày của mình để nhai tảo bẹ, và việc này tốn rất nhiều thời gian.
Steller mô tả cảnh chúng kiếm ăn giống như một con bò đang ăn cỏ. Tuy nhiên, chúng ngoan ngoãn và hiền lành hơn nhiều so với bò trên cạn. Mặc dù cách duy nhất chúng có thể chống lại sự tấn công của kẻ thù là lớp mỡ dày nhưng những con bò biển này lại không hề sợ hãi con người. Ngay cả khi con người đến gần, chúng vẫn tỏ ra thờ ơ và cư xử rất bình tĩnh.Chính vì những đặc điểm này loài bò biển Steller đã trở thành con mồi béo bở đối với đoàn thám hiểm. Khi nguồn thức ăn ngày càng ít đi, các thành viên của đoàn thám hiểm bắt đầu nghĩ đến việc săn bắt và giết thị loài bò biển này.
Các thành viên của đoàn thám hiểm đã tạo ra những cây lao và buộc nó vào một sợi dây dài để bắt bò biển. Đầu sợi dây dài được hàng chục người trên bờ túm chặt, sau đó sáu người di chuyển bằng thuyền tới gần những con bò biển và phóng lao đâm vào chúng. Ngay khi con bò biển bị mắc câu, những người trên bờ sẽ cùng nhau kéo chúng vào bờ. Đồng thời, sáu người trên thuyền sẽ tiếp tục dùng hung khí tấn công con bò biển khiến nó mất máu và dần gục xuống.
Với trọng lượng cơ thể của một con trưởng thành có thể lên tới 10 tấn. Lượng thịt từ một con bò biển Steller có thể nuôi sống tất cả thành viên đoàn trong vòng hơn một tháng. Ngoài ra, mỡ của chúng còn được sử dụng làm thành bơ hoặc dầu đèn. Da của chúng cũng được làm thành nhiều vật dụng thiết yếu hàng ngày và thậm chí còn được dùng làm lớp bảo vệ cho tàu.
Bằng cách này, dựa vào một lượng lớn thịt bò biển tích trữ, đoàn thám hiểm đã sống sót qua mùa đông lạnh giá. Và nói một cách chính xác thì những con bò biển Steller đã cứu sống họ. Vào tháng 8 năm 1742, Steller và đoàn thám hiểm của mình đã đóng xong được một con tàu mới và rời khỏi đảo Bering.
Sau khi trở về đất liền, những câu câu chuyện về cuộc thám hiểm trên đảo Bering bắt đầu lan truyền nhanh chóng. Và lúc này, lòng tham của con người lại được bùng lên, vô số thợ săn và người buôn lông thú đã tràn vào vùng biển này đã khiến cho các loài động vật tại hòn đảo này lần lượt bị giết hàng loạt. Họ làm theo cách mà những thành viên trong đoàn thám hiểm vẫn làm và thi nhau sát hại loài bò biển khổng lồ Steller.
Đáng buồn hơn, bò biển Steller dường như là một loài động vật hết sức tình cảm. Theo mô tả của Steller, những con bò biển khổng lồ này có tính xã hội cao và tuân thủ nghiêm ngặt chế độ một vợ một chồng. Khi một con bò biển bị nĩa thép đâm vào, những con bò biển khác ở xung quanh sẽ tập hợp lại thành từng nhóm để cố gắng giải cứu con bị đâm. Chúng sẽ cố gắng bởi và đẩy lật thuyền, hoặc nhấn dây để kéo cây lao xuống và không chịu rời đi. Steller cũng từng quan sát được một con bò biển đực vào bờ và nhìn chằm chằm vào con bò biển cái đã chết trong suốt hai ngày. Tuy nhiên chính tập tính này lại bị những kẻ đi săn lợi dụng và nhử chúng để có thể giết được nhiều bò biển hơn.
Vì kích thước khổng lồ, một số thợ săn cảm thấy bất tiện khi mang chúng vào bờ, bởi vậy sau khi đi săn, họ đã bỏ mặc xác của chúng giữa biển và đợi thủy triều đưa xác của những con vật xấu số này vào bờ. Vì vậy, có rất nhiều xác bò biển bị lãng phí một cách vô ích và trở thành nguồn dinh dưỡng cho đáy biển.
Quan điểm của các nhà tự nhiên học ở thế kỷ 18 tin rằng tài nguyên thiên nhiên là vô tận. Tuyệt chủng là điều không thể xảy ra, vì vậy việc săn bắt và giết số lượng lớn loài này là điều hết sức bình thường. Ngay cả bản thân Steller cũng nghĩ như vậy.
Nhưng hóa ra tất cả đều sai. Năm 1768, dưới nĩa thép của một người thợ săn lông rái cả biển, con bò biển cuối cùng đã chết. Chỉ trong vòng 27 năm kể từ khi được phát hiện, sinh vật này đã bị tuyên bố tuyệt chủng. Mặc dù một số người sau đó nói rằng đã nhìn thấy sinh vật trông giống như một con bò biển khổng lồ, nhưng những lời nó đó đều vô căn cứ và không có bằng chứng xác thực nào được tìm thấy.
Bằng chứng sinh học cho thấy bò biển Steller đã từng hoạt động ở nhiều vùng biển xung quanh Vành đai Thái Bình Dương, từ Nhật Bản đến California ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi Steller lần đầu tiên nhìn thấy chúng, người ta ước tính rằng chỉ còn khoảng 2.000 cá thể của loài này còn tồn tại. Trước đó, phạm vi phân bố và số lượng bò biển Steller đã bị thu hẹp, và nguyên nhân của điều này cho tới nay vẫn chưa được giải đáp. Tuy nhiên, trong trường hợp của 2.000 con bò biển Steller cuối cùng, nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của chúng là quá rõ ràng - lòng tham của con người.