Chiếc rìu thời kỳ đồ đá có tay cầm bằng gỗ
Các nhà khảo cổ ở Đan Mạch khai quật được chiếc rìu thời kỳ đồ đá vẫn còn nguyên tay cầm bằng gỗ.
Chiếc rìu có niên đại khoảng 5.500 năm tuổi, thuộc thời kỳ đồ đá mới. Nó được tìm thấy trong cuộc khảo sát khảo cổ học thuộc dự án xây dựng đường hầm tại thị trấn Rodbyhavn, thuộc đảo Lolland.
Nồng độ oxy thấp trong đất giúp bảo tồn cán gỗ của chiếc rìu. (Ảnh: Museum Lolland-Falster)
BBC cho hay, chiếc rìu dường như bị cắm chặt vào nơi từng là đáy biển và có thể là một nghi thức tế lễ nào đó. Do nền đất sét thiếu oxy nên phần cán gỗ của chiếc rìu vẫn còn nguyên vẹn. Theo dự đoán của các nhà khảo cổ, những người sống trong thời kỳ đồ đá mới ở phía nam Lolland đã sử dụng vùng bờ biển này làm nơi tế lễ.
"Việc tìm thấy chiếc rìu còn nguyên tay cầm cũng như được bảo quản nguyên vẹn là một điều kỳ diệu", Soren Anker Sorensen, chuyên gia của Bảo tàng Lolland-Falster, cho hay.
Tại khu vực khai quật, nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy nhiều đồ vật bằng gỗ có tình trạng bảo quản tốt. Các hiện vật thu được bao gồm cọc gỗ dựng đứng, mái chèo, cung tên và cán rìu.
Chiếc rìu là công cụ quan trọng đối với người sống trong thời kỳ đồ đá, được dùng để chặt hay đẽo gỗ. Chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tập tục canh tác nông nghiệp của người châu Âu, khi phần lớn diện tích đất bị rừng rậm bao phủ.