Chủng virus chết người từ gia cầm trở thành mối lo đại dịch mới
Virus cúm gia cầm đang bùng phát một chủng lớn là H5N1. Các nhà nghiên cứu xác nhận virus này có thể lây nhiễm cho nhiều loài khác nhau.
Theo trang Open Access Government, các nhà khoa học nhận định H5N1 có khả năng gây ra đợt bùng phát dịch cúm gia cầm trên toàn cầu, chủ yếu ở các loài chim hoang dã. Họ lo ngại chủng H5N1 sẽ trở thành "một trong những chủng nguy hiểm".
Cúm gia cầm đang ảnh hưởng đến nhiều loài động vật có vú. (Ảnh: WILX).
Từ cuối năm 1990, cúm gia cầm H5N1 đã gây ra nhiều đợt bùng phát dịch lẻ tẻ. Chủng này có nguồn gốc từ các trang trại gia cầm thâm canh ở châu Á, sau đó lan rộng khắp thế giới.
Virus này lưu hành ở một số loài chim. Tuy nhiên, hiện tại, H5N1 đã lây lan sang động vật có vú (bao gồm động vật có vú hoang dã và nuôi nhốt).
Tổ chức Thú y Thế giới thông tin ngày càng nhiều trường hợp động vật có vú tại các nước phương Tây bị mắc và chết vì virus H5N1.
Ở Vương quốc Anh, trong 2 năm qua, cúm gia cầm đã tác động và ảnh hưởng tới 65 loài chim hoang dã. Tương tự, theo hồ sơ lưu giữ của Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2022 và 2023, quốc gia này đã phát hiện cúm gia cầm ở quạ, cò, chim cổ đỏ, quạ đen, cú và nhiều loài chim khác.
Hiện tại, sự lây lan của virus H5N1 còn ảnh hưởng đến giá trứng và gia cầm ở các nước phương Tây. Bên cạnh đó, virus này đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo về một đại dịch khác ở người.
Để đối phó với dịch cúm gia cầm hiện nay, chính phủ Anh và Mỹ đã lên kế hoạch triển khai vaccine cúm gia cầm. Nước Pháp cũng lên kế hoạch bắt đầu tiêm phòng cho gia cầm nuôi vào tháng 9.
Ở những nơi khác, Ecuador cũng đã công bố kế hoạch tiêm chủng cho 2 triệu người.
Gov.UK thông tin gia cầm bị nhiễm virus H5N1 có thể bao gồm các dấu hiệu như: đột tử, sưng đầu, nhắm mắt, chảy nước mắt, ăn ít hơn bình thường, nằm, không phản ứng, rủ cánh, xoắn đầu vào cổ, xuất huyết, phân nước bị đổi màu hoặc lỏng, ngừng hoặc giảm đáng kể sản lượng trứng...
Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được 5 chủng cúm gia cầm đã lây nhiễm sang người bao gồm H5N1, H6N1, H7N9, H9N2 và H10N3. Trong đó, chủng H5N1 được cho là mạnh và gây thiệt hại nặng nề nhất.
Theo tạp chí Wired, virus H5N1 lần đầu tiên lây từ chim sang người vào năm 1997 tại Hong Kong (Trung Quốc), làm 18 người mắc bệnh, 6 người trong đó tử vong.
Kể từ đó, các biến thể của H5N1 lây nhiễm định kỳ hàng năm cho người. Tính đến năm 2022, Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận 868 trường hợp mắc cúm gia cầm ở người và 457 trường hợp tử vong.
Tỷ lệ tử vong vì cúm gia cầm trên người là 52%. Tỷ lệ này dù cao, virus này vẫn chưa đủ mạnh để dễ dàng lây lan từ người sang người và tạo ra các đợt bùng phát lớn.