Chuyện những nhà sáng chế nông dân Quảng Trị
Tôi ghé gian trưng bày của Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị vừa khi anh nông dân Văn Đức Quynh cười lỏn lẻn đem về một xấp giấy photo. Khách tham quan đông quá, tờ rơi quảng cáo hết rất nhanh, nên anh được cử đi photo thêm ra.
Rồi người đàn ông có nụ cười hiền khô thường trực trên môi đặt những tờ giới thiệu vào lòng chiếc máy cắt đa năng là sản phẩm mới nhất của mình, vương vãi xung quanh là những lát sắn được khách hàng cắt thử nghiệm. Ngay cạnh đó là 2 chiếc máy khác của anh, một máy tuốt hạt ngô và chiếc kia là máy tuốt lạc.
Anh Quynh là “nhà sáng tạo quần chúng” tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị, một vùng đất còn nhiều gian khó nhưng nổi tiếng quật cường. Tôi thấy anh có danh thiếp ghi Cơ khí Văn Đức Quynh, chuyên sản xuất và sửa chữa máy cắt (chuối, sắn, rau…), máy phẻ bắp (ngô), máy xay sắn tươi khô, các loại máy phục vụ nông nghiệp và dân dụng… với logo rất đĩnh đạc.
Ấy vậy nhưng nghề cơ khí vốn không phải của nghề của anh nông dân Quynh, anh chưa từng học qua một trường nghề lớp thợ nào, ngoài trình độ văn hóa 9/12. Thế nhưng, chính nhu cầu vượt khó của một gia đình nông dân nơi đất cằn sỏi đá đã khiến anh đau đáu. Ý nghĩ làm sao có thể giúp dân nghèo đỡ khổ cực cùng với sự khéo léo vốn có và khả năng sáng tạo tiềm tàng, anh đã tự mày mò tìm đường tới với nghề cơ khí. Vào nghề chưa lâu nhưng tới nay, anh đã tự sáng chế được 3 chiếc máy cắt, tẽ, tuốt khác nhau, giá mỗi chiếc trung bình 4 triệu đồng. Anh bảo mỗi cái máy này làm mất khoảng 10 công (1 người làm thì sẽ mất 10 ngày), khi bán được sẽ lãi ra khoảng 500.000 đồng.
Anh Văn Đức Quynh và chiếc máy tách hạt ngô tại Techmart 2009 (Ảnh: N.A) |
Bắt đầu từ nỗi vất vả ...
Thấy bà con nông dân mỗi vụ thu hoạch ngô phải lấy tay tách vỏ hết sức khổ cực lại tốn nhiều thời gian, đầu năm 2004, anh bắt đầu nghiên cứu chế tạo máy tách hạt ngô.
Hồi đầu, anh cứ tự mình xì xoẹt hàn tiện, đến mùa thu hoạch ngô anh kéo máy vào trong nhà dân, xin người ta cho chạy thử máy. Suốt 3 năm (tức là 6 vụ bắp), bà con nông dân đã quen với dáng anh kéo máy đi khắp làng khắp xóm. Đến năm 2007, máy tách hạt ngô mới được hoàn thiện. Năng suất tách lúc này đạt gần 5 tạ hạt/giờ (gấp 20 lần sức người). Máy cao 0,75m - rộng 0,4m - dài 0,6m; nặng 45kg. Nguyên lý hoạt động khá đơn giản: khi trục chính quay, trái ngô quay theo, ở thanh trượt dẫn hướng có bộ phận điều chỉnh để tách hạt. Hạt theo máng dẫn, rồi theo thanh trượt ra ngoài.
Anh Quynh đã làm được hơn trăm cái máy này, bán cả ở Huế, Quảng Bình, Kon Tum...
Được đà, anh tiếp tục làm máy tuốt lạc và máy cắt đa năng (có thể cắt sắn, khoai, chuối... thành từng lát). “Tui mần mấy cái sau nhanh hơn cái trước. Dù tính năng khác nhau nhưng nguyên lý hoạt động không khác nhau là mấy. Tui cứ áng áng rứa mà mần thôi...” .
... Và trái ngọt đã kết
Máy móc của anh Quynh từng đoạt giải 3 hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ nhất do Liên hiệp các hội KH&CN tỉnh tổ chức và được mang đi tham dự hội chợ Nông dân sáng tạo ở TP Tam Kỳ năm 2008 và Techmart tại Đà Nẵng (2007), Lạng Sơn (2008) và lần này cả 3 đã được mang tới Techmart VN ASEAN + 3.
Tại gian trưng bày của Sở KHCN Quảng Trị (Ảnh: Dostquangtri.gov.vn) |
Nói về cái duyên của mình với máy móc, anh từng kể ra quá trình “sáng chế” độc đáo của mình cho báo chí: “Chừ bà con hễ thiếu cái gì thì họ lại đến méc tui, tui sẽ về suy nghĩ và mày mò sáng chế làm ra cái máy họ muốn. Máy làm ra rồi, tui đem đi thử, thấy cái chi chưa được hoặc thiếu là tui tháo ra mần lại... Khi mô bà con ưng thì tui ưng. Nhưng có mấy cái khó quá, tui cũng phải nợ lại đó với bà con”.
Cũng chính vì những ý tưởng phong phú của bà con, họ đặt niềm tin nơi anh, nên việc sáng chế của anh dường như vẫn chưa dừng lại. Anh còn vừa sản xuất vừa đi tiếp thị máy ở từng nhà dân vì anh nói “mình máy nhỏ, vốn ít, phục vụ bà con nông dân là phải thế”.
Điều đặc biệt là những vật tư để làm nên thiết bị này đều được họ kiếm từ những phế liệu chiến tranh như vỏ đạn, thanh sắt… còn vương vãi nhiều trên dải đất năm xưa từng là chiến trường ác liệt.
Nói về những người nông dân sáng tạo của địa phương mình, ông Lưu Văn A, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học – Thông tin KH&CN của Sở KHCN tỉnh Quảng Trị tỏ ý tự hào. Ông bảo, đó đều là những sáng chế được ra đời một cách tự phát, nhưng vô cùng hiệu quả và hữu ích. Quảng Trị còn rất nghèo, nhưng UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư rất sát sao cho việc chuyển giao ứng dụng KHCN.
Người tham quan triển lãm cũng phải thừa nhận, gian trưng bày của Quảng Trị được đầu tư khá kỹ càng, không chỉ đưa máy móc, đưa ngô khoai sắn từ Quảng Trị tới tận Trung tâm Triển lãm Giảng Võ ở Hà Nội để “trình diễn” trực quan, họ còn có từng clip rất chuyên nghiệp trình bày tỉ mỉ về đặc điểm, cách vận hành, các công dụng của từng máy ở thực địa, đồng thời bố trí người thuyết minh và cung cấp các tờ rơi với đầy đủ thông tin cần thiết.
Trong trang phục áo sơ mi trắng và quần âu mới tinh, nghiêm ngắn, nụ cười hiền lành, bỡ ngỡ trên gương mặt anh Quynh, anh Bình và những nông dân Quảng Trị tham gia Techmart lần này khiến cho người tham quan như muốn chần chừ lâu hơn bên gian hàng của các anh – những người thực sự tâm huyết với sáng tạo, với khoa học, và nhất là tâm huyết với sự sống, cuộc mưu sinh vất vả của người nông dân.