Có bao giờ bạn nghĩ: Ngủ là lãng phí?
Đã là 4 giờ sáng và 8 giờ nữa có bài kiểm tra quan trọng, sau đó là bài độc tấu piano. Tuy bạn đã học và luyện tập nhiều ngày rồi nhưng vẫn thấy chưa sẵn sàng. Vậy giờ nên làm gì? Bạn có thể lấy thêm một cốc cà phê nữa và dành vài giờ tiếp theo để luyện thi và tập luyện, nhưng dù có tin hay không, tốt hơn hết nên đóng sách lại và đi ngủ.
Giấc ngủ chiếm gần một phần ba cuộc đời nhưng nhiều người dành rất ít sự quan tâm đến nó. Nhiều người nghĩ rằng ngủ là lãng phí thời gian hay chỉ là một cách nghỉ ngơi khi mọi việc quan trọng đã hoàn thành. Nhưng thật ra, ngủ là một hoạt động cốt yếu mà cơ thể cần để cân bằng và điều hoà mọi thứ từ sự tuần hoàn, hô hấp đến miễn dịch, hồi phục và tăng trưởng.
Giấc ngủ thật tuyệt, nhưng cứ gác lại sau kì thi đã, thi xong sẽ ngủ cho đã?
GIấc ngủ rất quan trọng với bộ não.
Sai mất rồi! Giấc ngủ hoá ra lại vô cùng quan trọng với bộ não, ngủ là giai đoạn tái tổ chức của bộ não. Khả năng ghi nhớ của chúng ta dường như không thật sự tốt. Nhà tâm lý học thế kỉ 19 - Herman Ebbinghaus chỉ ra rằng chúng ta thường quên 40% kiến thức mới trong vòng 20 phút đầu tiên. Điều này có thể được cải thiện bằng sự củng cố trí nhớ khi mà thông tin được chuyển từ bộ nhớ ngắn hạn sang bộ nhớ dài hạn. Nó xảy ra nhờ sự giúp đỡ từ một bộ phận quan trọng của não, được biết đến là thuỳ hải mã.
Vai trò hình thành trí nhớ dài hạn của thuỳ hải mã được chứng minh vào những năm 1950 bởi Brenda Milner. Trong một nghiên cứu trên một bệnh nhân, sau khi loại bỏ thuỳ hải mã, khả năng hình thành trí nhớ dài hạn của bệnh nhân bị tổn thương, nhưng anh ta vẫn có thể học các bài tập thể dục qua sự lặp lại. Điều đó chỉ ra, thuỳ hải mã tham gia vào sự củng cố trí nhớ dài hạn như các khái niệm cho bài kiểm tra, chứ không phải là trí nhớ thường trực như sự di chuyển ngón tay khi chơi piano.
Phát hiện của Milner, cùng với thành quả của Eric Kandel những năm 90, đã đem lại mô hình ghi nhớ. Thông tin trước hết được sao lưu tạm thời trong các nơron hình thành trí nhớ tạm thời, sau đó, nó di chuyển đến thuỳ hải mã, nơi mà các liên kết synap hình thành cho phép sự liên kết mới giữa các nơron được tăng cường ở vỏ não giúp nhớ lâu hơn.
Có bao giờ bạn gặp một sự kiện chỉ một lần nhưng lại không thể quên được chưa?
Có một vài cách để tác động đến mức độ và sự hiệu quả của việc ghi nhớ. Chẳng hạn, trí nhớ được hình thành khi cảm xúc lên cao sẽ được lưu giữ tốt hơn nhờ sự liên kết của thuỳ hải mã với cảm xúc. Nhưng một trong các yếu tố chính đóng góp vào việc củng cố trí nhớ là một giấc ngủ ngon.
Rút ngắn giấc ngủ không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ lâu dài mà còn khiến bạn mau quên những kiến thức.
Giấc ngủ gồm bốn giai đoạn, mà hai giai đoạn quan trọng nhất là Non-REM và REM. Máy EEG giám sát con người khi ngủ đã chỉ ra rằng các xung điện di chuyển giữa cuống não, thuỳ hải mã, đại não, đồi não và vỏ não trong khi ngủ giúp củng cố các dạng khác nhau của trí nhớ.
Trong giai đoạn Non-REM, trí nhớ được mã hoá và lưu trữ tạm thời ở phần phía trước của thuỳ hải mã. Qua các trao đổi liên tục giữa vỏ não và thuỳ hải mã, nó liên tục được tái kích hoạt và dần dần tái phân bổ thành trí nhớ dài hạn ở vỏ não. Mặt khác, giấc ngủ REM giúp củng cố các trí nhớ thường trực. Vì vậy, theo một vài nghiên cứu, đi ngủ khoảng ba tiếng sau khi ghi nhớ các công thức và một tiếng sau khi luyện tập một bản nhạc sẽ là lý tưởng nhất giúp nhớ lâu hơn.
Vậy việc rút ngắn giấc ngủ không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ lâu dài mà còn khiến bạn mau quên những kiến thức và bài tâp từ tối hôm trước. Khi bạn hiểu được sự tái cấu trúc và việc hình thành các mối liên kết xảy ra trong não khi ngủ, thì hãy yên tâm dành cho bản thân một giấc ngủ phù hợp để khi thức dậy với một bộ não mới mẻ, bạn sẽ sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách.