Cơ chế COVAX là gì?
Cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa COVID-19" (viết tắt là COVAX) là sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm thúc đẩy quá trình phát triển và sản xuất các sản phẩm chẩn đoán và điều trị cùng với vắc xin (vaccine) ngừa COVID-19, đồng thời bảo đảm khả năng tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng trên toàn thế giới.
Đến nay có 190 quốc gia tham gia cơ chế COVAX.
Mục tiêu của COVAX là thực hiện các giao dịch mua vaccine với số lượng lớn từ các công ty dược phẩm, đồng thời nhận vaccine quyên góp từ các nước giàu. Các quốc gia nghèo hơn có thể nhận được vaccine miễn phí từ sáng kiến này, còn những quốc gia giàu có cũng có thể mua vaccine từ đây như một cách để đa dạng hóa nguồn cung.
Hiện Covax đang được hỗ trợ chủ yếu từ những nước như Mỹ, Anh, Canada, Australia, New Zealand, UAE, Pháp, ĐỨc, Italy, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Bồ Đào Nha cùng một số quốc gia sản xuất vaccine lớn như Ấn Độ.
Sáng kiến COVAX ra đời trong năm 2020 lấy cảm hứng từ các chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa bệnh Ebola ở Tây Phi.
Đồng chỉ đạo COVAX có Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), Liên minh vì đổi mới phòng chống dịch bệnh (CEPI) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Cơ chế COVAX được thiết kế như phao cứu sinh cho các nước không đủ khả năng tiếp cận vắc xin và giữ vai trò như kho dự trữ cho các nước đủ khả năng mua vắc xin nhưng không chắc có nhận được vắc xin an toàn và hiệu quả hay không.
Đến nay có 190 quốc gia tham gia cơ chế COVAX nhưng giữ vai trò khác nhau. Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, Việt Nam là một trong 190 quốc gia tham gia vào cơ chế COVAX và là một trong các quốc gia nằm trong danh sách được tài trợ vắc xin giai đoạn đầu tiên.