Có đúng không chuyện lông sẽ mọc lại dày và đen hơn sau mỗi lần cạo?
Và cảm giác của bạn sau vài ngày đầu là chúng đã mọc ra to và dày hơn. Bạn đã bị đánh lừa.
Có đúng không khi cạo lông xong lông sẽ mọc dày hơn và đen hơn?
Trong đời sống hàng ngày, đôi khi chúng ta cảm thấy rất tin tưởng vào một lời khuyên nào đó. Ví dụ như mỗi người cần ngủ đủ 8 tiếng một ngày, có thể ăn thức ăn rơi xuống sàn nếu nhặt lên kịp, kẹo cao su sẽ dính lại ruột khi nuốt vào bụng… Hôm nay, hãy cùng chúng tôi giải mã lời khuyên “huyền thoại” đến từ các bà mẹ: “Con gái yêu quý, đừng cố cạo lông chân nó sẽ mọc lại dày hơn và đen hơn vào ngày mai”.
Có thực lông sẽ mọc lại đen và dày hơn sau mỗi lần cạo?
Quả thực là khó khăn để đi tìm điểm khởi đầu của câu chuyện. Rất nhiều bà mẹ khuyên con cái của họ như vậy. Và khi được hỏi tại sao họ lại biết bí mật này, câu trả lời là nó cũng lại đến từ những bà mẹ.
Vậy là từ thế hệ này qua thế hệ khác, mọi bà mẹ đều tin rằng khi cạo lông chân, nó sẽ mọc lại dày hơn và đen hơn. Để kiểm chứng điều này, không ít nhà khoa học đã làm rất nhiều thực nghiệm. Và họ đều nhận ra rằng sự phát triển của lông hay tóc không hề bị ảnh hưởng sau khi cạo hay bất kỳ một loại hình tẩy nào.
“Phụ nữ tẩy lông chân của họ rất thường xuyên. Nếu lông chân cứ mọc dày lên mỗi lần như vậy, chẳng mấy chốc họ sẽ biến thành khỉ đột”, Amy McMichael, một bác sĩ da liễu cho biết. “Hơn nữa, nếu cứ cạo tóc khiến nó mọc dày lên, chúng ta sẽ không phải lo ngại về chứng rụng tóc nữa”.
Ngay từ những năm 1928, đã có một thử nghiệm lâm sàng cho thấy việc cạo râu không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của chúng. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí British Medical Journal cho biết “cạo bỏ phần tóc, râu hay lông chết không ảnh hưởng đến phần sống của chúng nằm bên dưới bề mặt da”.
Đến đây, bạn có thể không tin và khăng khăng rằng: “Ồ, nhưng tôi thấy mẹ tôi nói đúng đó chứ, chúng đã mọc lại đen và dày hơn”. Quả thực là vậy đó, nhưng trước khi giải thích vấn đề này, tôi sẽ kể một câu chuyện khác.
Ăn kem nhiều, chết đuối nhiều? Đó là một thống kê gây giật mình được thực hiện tại rất nhiều nơi. Khi nhìn vào những biểu đồ tương quan giữa lượng kem tiêu thụ và số người chết đuối, ai cũng dễ dàng nhận ra rằng nó đang tạo nên một xu hướng tỷ lệ thuận. Khi lượng kem tiêu thụ tăng, số lượng người chết đuối cũng tăng, tương tự với chiều ngược lại.
Thống kê về lượng kem tiêu thụ và số nạn nhân chết đuối trong năm.
Bạn sẽ tìm thấy sự tương quan ở đây không? Không hề có, vấn đề nằm ở chỗ mọi người đều ăn kem nhiều và đi bơi nhiều hơn khi trời nóng. Vô tình nhiệt độ là một yếu tố quyết định mà không nằm trong đồ thị.
Trở lại với câu chuyện những cụm lông chân, sự mọc dày hơn và đen hơn của nó đến từ một yếu tố không hề có mặt: các nội tiết tố.
Đa số các cô gái đều bắt đầu tẩy lông ở tuổi dậy thì. Tương tự, các cậu con trai bắt đầu cạo râu. Và rồi những bà mẹ xuất hiện với lời khuyên “huyền thoại”. Sau nhiều lần cạo râu và tẩy lông, những đứa con nhận ra rằng: đúng thật chúng đã mọc lại dày hơn và đen hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân phía sau hiện tượng này là sự biến động của nội tiết tố trong giai đoạn dậy thì. Khi các nội tiết tố tăng, chúng ảnh hưởng đến độ dày của lông và nhiều yếu tố khác.
Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân khiến bạn bị đánh lừa đó là cảm giác. Những sợi lông được hình thành từ những protein sừng nhô ra từ cơ thể và chúng thon lại ở mỗi đầu. Khi cạo chúng, bạn tác động và cắt ngang sợi lông ở khoảng giữa. Nơi đây sẽ hình thành một bề mặt sắc và thô ráp mỗi khi chạm vào. Và cảm giác của bạn sau vài ngày đầu là chúng đã mọc ra to và dày hơn. Bạn đã bị đánh lừa.
Các cô gái bắt đầu tẩy lông ở tuổi dậy thì và các cậu con trai thì bắt đầu cạo râu.
Rồi khi bạn chưa kịp kiểm chứng điều này thì lại có những tuyên bố ngược lại. Những người bán sáp tẩy lông nói rằng sản phẩm của họ sẽ khiến những sợi lông đáng ghét mọc lại mỏng hơn và chậm hơn. Nếu bạn tin vào điều này, một lần nữa cảm giác của bạn lại bị đánh lừa.
“Tuốt và tẩy lông với các sản phẩm kem hay sáp khiến các nang lông bị loại bỏ. Điều này sẽ khiến chúng mất một khoảng thời gian để tái tạo. Chúng sẽ mọc ra với một phần đầu thon gọn hơn. Tuy nhiên, độ dày và màu sắc vẫn vậy”, Michael Vagg, một bác sĩ cho biết trên The Conversation.
“Tuy nhiên, cũng đã từng có những bằng chứng về việc waxing nhiều lần có thể gây hỏng vĩnh viễn một số nang lông và ngăn chúng mọc lại. Mặc dù vậy, điều này chỉ xảy ra sau một quá trình kéo dài vài năm”, Paul Willis, một phóng viên khoa học giải thích trên Tạp chí Catalyst.
“Giống như nhiều chức năng khác của cơ thể, sự xuất hiện của lông, râu và tóc phản ánh sức khỏe tổng thể và yếu tố di truyền của bạn. Trừ khi bạn làm điều gì đó ảnh hưởng đến lớp biểu bì da hoặc can thiệp vào các nội tiết tố, quá trình này mới bị đảo lộn. Bạn không thể khiến chúng mọc nhanh và dày hơn với dao cạo”, Michael Vagg cho biết.
Nói tóm lại, có thể khẳng định rằng việc cạo hay tẩy lông thực sự không gây ảnh hưởng lên quá trình phát triển của chúng. Những cụm lông, tóc hay râu sẽ không mọc dày hơn và đen hơn sau mỗi lần cạo? Có chăng điều này chỉ xảy ra ở tuổi dậy thì và nguyên nhân của nó đến từ các nội tiết tố. Nếu là một bà mẹ bạn nên hiểu điều này khi nói chuyện với con cái. Còn nếu chính bạn muốn những sợi lông đáng ghét biến mất, căn bản là cầm dao cạo lên và chẳng còn gì phải e ngại nữa.
- Những ý nghĩ sai lầm trong cuộc sống mà chúng ta vẫn tin