Có thứ gì thực sự không tồn tại vi khuẩn không?
Chúng ta có thể rửa tay với chất khử trùng, lau bếp bằng khăn kháng khuẩn, dùng chân, khuỷu tay hoặc vai để cố gắng mở cửa phòng tắm - tất cả đều nhằm mục đích ngăn chặn những vi khuẩn khó chịu, đáng sợ và gần như vô hình.
Tuy nhiên, vi khuẩn có thể đậu ngay trên một bề mặt nào đó ngay sau khi bạn vừa làm sạch chúng. Emily Sickbert-Bennett - Giám đốc chương trình phòng chống nhiễm trùng của Trung tâm y tế Đại học Bắc Carolina và là phó giáo sư về dịch tễ học cho biết có rất nhiều vi khuẩn tự nhiên xuất hiện ở khắp nơi, trong nước, đất và cả trên các loài động vật khác. Những vi khuẩn này hầu hết không phải là xấu.
Trên thực tế, hầu hết chúng đều vô hại trừ khi kết hợp không đúng chỗ. Ví dụ như vi khuẩn tụ cầu sống vô hại trong mũi của một người nhưng nó có thể gây chết người nếu ở trong máu.
Trên thực tế, hầu hết vi khuẩn đều vô hại trừ khi kết hợp không đúng chỗ.
Cũng theo Sickbert-Bennett, câu hỏi tốt nhất cần đặt ra không phải là làm thế nào để giữ cho các bề mặt mà chúng ta chạm vào không có vi khuẩn mà là làm thế nào để ngăn việc làm nhiễm bẩn môi trường sống. Cô nói: "Chúng ta thường khử trùng các bề mặt mà mình thường xuyên chạm vào bằng khăn lau hoặc bình xịt đa dụng hàng ngày. Điều này chắc chắn giúp loại bỏ vi khuẩn trên các bề mặt đó. Nhưng vấn đề là các bề mặt này có xu hướng liên tục bị nhiễm bẩn trở lại".
Bất kỳ lúc nào hai bề mặt tương tác với nhau, chẳng hạn như tay bạn chạm vào nắm đấm cửa thì vi khuẩn sẽ hoán đổi vị trí cho nhau. Vì vậy, nếu muốn nắm đấm cửa hoàn toàn sạch sẽ thì tay bạn cũng phải không có vi khuẩn trước đã. Thêm vào đó, vi khuẩn trong không khí có thể nhanh chóng tái định cư trên các bề mặt vừa được khử trùng.
Các vi khuẩn có hại rất dễ dàng xâm nhập vào nhà hoặc tiếp xúc với da của bạn. Tuy nhiên, vấn đề là phải đảm bảo chúng không thể đến nơi có thể gây ra nhiễm trùng. Ví dụ, virus SARS-CoV-2 cần phải tiếp xúc với hệ thống hô hấp hoặc mắt của con người thì mới gây bệnh được. Nếu bạn rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào mũi, miệng hoặc mắt thì chuỗi lây nhiễm Covid-19 sẽ bị phá vỡ.
Một ví dụ khác là vi khuẩn E.Coli rất dễ có trên bề mặt thức ăn. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn chặn chúng bằng cách nấu chín đồ ăn của mình. Bạn cũng có thể ngăn chặn virus Adeno - thủ phạm gây bệnh đau mắt đỏ bằng cách rửa tay thường xuyên và không chạm tay vào mắt. Nói cách khác, rất khó có bề mặt nào hoàn toàn vô trùng nhưng bạn có thể ngăn chặn vi khuẩn bằng cách cắt đứt chuỗi lây nhiễm của chúng.
Đồng thời, bạn cũng không cần quá lo lắng về vấn đề vi khuẩn. Phần lớn chúng đều không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. "Thực tế, nhiều vi khuẩn còn thực sự giúp động vật phát triển và tồn tại' - Tiến sĩ Helen Vuong, một học giả về sinh học tại Đại học California viết trên The Conversation .
Sickbert-Bennett cho biết: "Ngay cả trong chúng ta, có rất nhiều vi khuẩn tốt đang giúp cơ thể vượt qua vi khuẩn gây bệnh và giữ cho cơ thể con người được khỏe mạnh".