Con đường "bức tường xanh" đẹp như trên phim ở Hà Nội
Hai bên đường hầm chui Trung Hòa (Hà Nội), cây cúc tần Ấn Độ qua thời gian sinh trưởng tươi tốt đã tạo nên một "bức tường xanh" rủ xuống bên đường vô cùng đẹp mắt.
Những ngày qua, nhiều người dân di chuyển qua khu vực hầm chui Trung Hòa, đoạn Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) bất ngờ trước những dải cây dây leo xanh mướt hai bên đường. Nhiều người liên tưởng tới hình ảnh những con đường trên phim ở nước ngoài.
Theo tìm hiểu, đây là loại cây cúc tần Ấn Độ, cây cho thân rũ xuống phát triển nhanh và luôn tươi tốt quanh năm. Cây thường được nhiều người mua về trồng tại nhà như ban công, sân thượng để tạo tấm che nắng, đồng thời cây cũng có tác dụng lọc không khí khiến không gian tươi mát hơn.
Đối với những người đi qua khu vực này thường xuyên, đây có thể coi là một điểm nhấn ấn tượng.
Hàng cây leo kèm theo những cây xanh được trồng ở khu vực hầm chui Trung Hòa nhìn từ trên cao như một "lá phổi xanh nhỏ" giữa những con đường nhựa.
Đặc điểm của cây cúc tần Ấn Độ là dễ phát triển. Cây có thân mong manh và xanh mướt có thể dài tới 30 mét.
Đây là loại cây gỗ thân leo mọc thành bụi, lá xanh, thân cây lúc còn non màu xanh nhạt khi trưởng thành sẽ có màu nâu trầm. Trên thân luôn có một lớp lông màu trắng xám.
Cành và các nhánh của cây cúc tần Ấn độ buông rũ xuống đất một cách nhẹ nhàng. Lá cây dày và xanh mướt quanh năm.
Đối với thời tiết nóng bức vào mùa hè, đi qua hàng cây cúc tần Ấn Độ đang rũ xuống người đi đường cảm nhận được phần nào sự mát mẻ.
Loài cây cúc tần Ấn Độ không bị rụng lá sinh lý vào mùa đông, vì vậy cây luôn phát triển xanh tốt. Cây này đến mùa hoa nở có màu hồng nhạt.
Cây cúc tần Ấn Độ được nhiều người chơi cây lựa chọn để trồng bởi ngoài xanh tốt về mặt thẩm mỹ, loài này còn có ý nghĩa cho sự trường tồn, mạnh mẽ và dẻo dai.
Con đường cây cúc tần tạo điểm nhấn ấn tượng cho con đường.