Truyền máu sẽ mở ra một hy vọng mới trong việc điều trị bệnh Alzheimer
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm một phương pháp mới để làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer bằng cách truyền máu.
Theo các chuyên gia, điều này sẽ ngăn chặn sự tập hợp các peptit beta-amyloid, nguyên nhân một phần gây ra tổn thương được tạo ra trong não. Bệnh Alzheimer là dạng bệnh thoái hóa thần kinh, gây mất trí nhớ chính trên thế giới và cho đến nay không có cách chữa trị.
Căn bệnh này gây ra bởi sự tích tụ của các tập hợp protein bất thường trong não, nó phát triển chậm trong nhiều năm.
Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của sự sa sút trí tuệ. (Ảnh: Futura Sciences).
Cụ thể, các protein Tau và các peptit amyloid beta chịu trách nhiệm chính gây ra căn bệnh này. Các beta-amyloid tích tụ và hình thành các mảng amyloid ở bên ngoài tế bào thần kinh (ngoại bào).
Các mảng Amyloid ngăn chặn quá trình dẫn truyền giữa các dây thần kinh, đồng thời các protein Tau được tìm thấy bị biến dạng, hiện diện với số lượng lớn đến mức làm chết các tế bào thần kinh này.
Có khoảng 50 triệu trường hợp trên toàn thế giới bị mắc bệnh Alzheimer, với phần lớn là những người trên 65 tuổi. Cùng với đó, bệnh thường được phát hiện quá muộn.
Khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện, chẳng hạn như mất trí nhớ, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn tâm trạng, mất phương hướng... thì não bộ đã bị tổn thương.
Mặc dù không có phương pháp điều trị cụ thể nào để ngăn chặn hoặc thậm chí làm chậm bệnh, nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách để phá vỡ sự kết tụ và lắng đọng protein beta-amyloid trong não dựa trên sự trao đổi máu - truyền máu.
Các nhà nghiên cứu cho biết, hiện các phương pháp điều trị bệnh đang được thử nghiệm không hiệu quả, nguyên nhân chủ yếu do các phân tử điều trị bị chặn lại bởi hàng rào máu não, ngăn cách não bộ khỏi tuần hoàn máu và hoạt động như một bộ lọc.
Thí nghiệm thành công trên chuột
Vì vậy, thay vì cố gắng loại bỏ các mảng amyloid đã có trong não, các nhà nghiên cứu tập trung vào việc ngăn chặn các peptit kết tụ thành mảng. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên những con chuột bằng một cách khác.
Ý tưởng của họ chính là truyền một lượng máu "mới" cho những con vật mắc bệnh và quan sát sự phát triển của các mảng amyloid.
Akihiko Urayama, tác giả đầu tiên của nghiên cứu hiện đang làm việc tại Trung tâm Mitchell về Bệnh Alzheimer ở Houston, Mỹ cho biết: "Các mạch máu trong não được coi là hàng rào không thấm nước nhất của cơ thể. Và chúng tôi nhận ra rằng, đây là rào cản đồng thời là giao diện rất chuyên biệt giữa não và hệ tuần hoàn".
Do đó, họ đã tiêm cho những con chuột bị bệnh "máu bình thường từ những con chuột hoang dã có cùng nền tảng di truyền", đồng thời lấy một số từ chúng để thực hiện trao đổi máu.
Sau nhiều lần truyền máu, họ nhận thấy sự phát triển các mảng bám amyloid giảm từ 40-80% và tốc độ phát triển của chúng cũng sẽ giảm đi theo thời gian. Ngoài ra hiệu suất ghi nhớ không gian ở những con chuột già cũng được cải thiện.Các chuyên gia cho biết thêm: "Cơ chế chính xác mà sự trao đổi máu làm giảm bệnh lý amyloid và cải thiện trí nhớ hiện vẫn chưa được biết rõ".
Tuy nhiên, họ cho rằng sự sụt giảm beta-amyloids trong máu sau đó sẽ phân phối lại những chất chứa trong não vào máu. Điều này đánh dấu một niềm hy vọng mới trong các phương pháp điều trị căn bệnh mất trí nhớ này.