Con người có thể tìm ra cách ủ rượu nhờ động vật
Người cổ đại có thể khám phá ra cách làm rượu sau khi quan sát động vật ăn trái cây lên men.
Các nhà khảo cổ học chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng chỉ ra con người khám phá ra rượu như thế nào. Họ đặt ra giả thuyết rằng người cổ đại ở thời Đồ đá khoảng 10.000 năm trước Công nguyên quan sát một số động vật ăn trái cây lên men nên bắt chước bằng cách để nho dại vào trong túi da động vật, làm cho chúng lên men và trở thành nước uống, theo How Stuff Works.
Hình vẽ trên tường ngôi mộ của người Ai Cập cổ đại cho thấy người lao động đang hái nho để làm rượu vang. (Ảnh: Ann Ronan).
Cây nho xuất hiện trên Trái Đất cách đây khoảng 60 triệu năm. Trong lịch sử loài người, sản xuất rượu vang là kỹ năng không cần ghi chép lại. Công thức được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua học nghề và truyền miệng. Văn bản đầu tiên đề cập đến rượu vang là kinh Cựu Ước mô tả Noah sống sót sau trận lụt, rời khỏi tàu và trồng nho làm rượu.
Khi các nhà khảo cổ học phát hiện gạo và rượu mật ong còn sót lại trên một mảnh gốm ở Trung Quốc có niên đại 9.000 năm, họ có bằng chứng về quá trình lên men cổ. Ở Trung Đông, giới nghiên cứu tìm thấy dấu vết của nho trong bình gốm 7.400 năm tuổi kèm theo nhựa cây, đóng vai trò chất bảo quản rượu vang.
Chai rượu vang nguyên vẹn lâu đời nhất thế giới được phát hiện vào năm 1867 sau khi các nhà khoa học khai quật một ngôi mộ bằng đá của người La Mã nằm dưới vườn nho gần thành phố Speyer, Đức. Chai rượu này đang nằm trong Bảo tàng Lịch sử Pfalz, Đức. Dù rất hiếu kỳ, cho đến nay, không nhà khoa học nào dám mở bình rượu cổ đóng chặt nắp này.