Công bố ảnh chụp Mặt Trời chi tiết "chưa từng có"
Bức ảnh được chụp bởi các nhà khoa học Anh và NASA cho thấy bầu khí quyển của Mặt Trời phức tạp hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.
Sử dụng kính thiên văn chụp vành nhật hoa Hi-C, các nhà thiên văn học tại Đại học Central Lancashire (UCLan) của Anh và Trung tâm bay không gian Marshall của NASA đã chụp được hình ảnh có độ phân giải cao nhất từ trước tới nay về Mặt Trời, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Vật lý Thiên văn.
Hình ảnh độ phân giải cao nhất của Mặt Trời chụp bởi kính thiên văn Hi-C. (Ảnh: NASA).
Bức ảnh cho thấy một phần của bầu khí quyển ngôi sao, trước đây được cho là tối và trống rỗng, chứa đầy các dải khí nóng tích điện. Mỗi dải rộng tới 500 km và có thể đạt nhiệt độ gần một triệu độ C.
"Đây là phát hiện tuyệt vời! Nó cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về dòng năng lượng trong các lớp khí quyển của Mặt Trời trước khi chúng được truyền tới Trái Đất. Điều này rất quan trọng nếu chúng ta muốn mô hình hóa và dự đoán hành vi của ngôi sao", Tom Williams, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại UCLan nhấn mạnh.
Một phần của bầu khí quyển chứa đầy các dải khí nóng tích điện. (Ảnh: NASA).
Với khả năng chụp ảnh độ phân giải cao, kính thiên văn Hi-C có thể xác định các cấu trúc có độ lớn chỉ 70km trong bầu khí quyển Mặt Trời, tương đương 0,01% bán kính ngôi sao. Thiết bị có thể quan sát rõ nét các dải từ trong "vùng tối" được tạo ra từ plasma siêu nóng, lên tới triệu độ.
Dù đã xác nhận chắc chắn về sự tồn tại của các dải khí nóng, nhóm nghiên cứu vẫn đang tranh luận về nguồn gốc hình thành cũng như tác động của chúng đối với các cơn bão Mặt Trời có thể ảnh hưởng đến sự sống trên Trái Đất.