Công bố phương pháp có thể dọn sạch phóng xạ ở Fukushima
Một nhóm các nhà khoa học vừa công bố phương pháp mới đầy hứa hẹn có thể dọn sạch những tàn dư phóng xạ ở Fukushima sau vụ thảm họa hạt nhân năm 2011.
Hàng trăm triệu lít nước thải nhiễm phóng xạ vẫn còn tồn đọng ở những khu vực xung quanh Fukushima, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân Nhật Bản năm 2011.
Nhưng các nhà khoa học không cho rằng, lượng nước này chỉ đơn giản chảy vào đại dương, nếu nó vẫn còn ở đó, nó sẽ ngấm vào lòng đất.
Một nhóm các nhà khoa học làm việc tại Đại học Rice ở bang Texas và Đại học Kazan ở Nga đã đưa ra ý tưởng đầy hứa hẹn có thể loại bỏ chất phóng xạ stronti và cesi ra khỏi nước, bằng một vật liệu rẻ tiền được gọi là carbon bị oxy hóa (OMC). Các nhà khoa học cho rằng, hệ thống lọc bằng OMC có thể làm sạch nước đủ an toàn để cho vào đại dương và ngăn chặn bất kỳ sự ô nhiễm nào khác.
Bộ lọc OMC được sản xuất từ nguồn carbon thương mại C-seal-F. (Ảnh: Đại học Kazan Federal).
Có thể bạn đã nghe về hệ thống lọc bằng carbon hoặc than, nhưng những bộ lọc này không hoạt động tốt đối với các kim loại nặng có trong nước nhiễm phóng xạ.
Trước đó, nhóm các nhà khoa học này đã báo cáo về một vật liệu được gọi là graphene oxide, có thể lọc được những nguyên tố phóng xạ phổ biến như stronti nhưng không lọc được cesi. Hơn nữa, giá thành vật liệu graphene oxide khá đắt đỏ.
Điều này khiến nhóm nghiên cứu tìm đến OMC, có giá thành rẻ hơn 10 lần so với graphene oxide và có thể được sản xuất từ một nguồn carbon thương mại được gọi là C-seal-F, hay từ "shungite" – một loại đá có trong tự nhiên ở tây bắc nước Nga.
Các nhà khoa học đã tạo ra bộ lọc bằng OMC từ cả hai nguồn trên, bằng cách xử lý chúng với axit, tạo ra loại vật chất giàu oxy ở bề mặt để các chất gây ô nhiễm có kim loại nặng bám theo. Nước sau khi chảy qua OMC được sàng lọc lại những nguyên tố stronti, cesi và các kim loại nặng khác.
Kết quả cho thấy, 800 milligram của OMC từ C-seal-F lọc được 83% cesi và 68% stronti từ 100ml nước, trong khi bộ lọc OMC shungite lọc được đến 70% cesi và 47% stronti.
Kết quả được công bố trên tạp chí Carbon. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ mới là bằng chứng cho một mô hình, và thử nghiệm được thực hiện trên nguồn nước chứa stronti và cesi nhưng không nhiễm phóng xạ.
Cũng phải mất một thời gian để đồng vị phóng xạ thay đổi, và chúng ta cùng chờ xem bộ lọc này thực sự hoạt động trong thực tế.