Công dụng bất ngờ của cục đá hình dương vật từ thời Trung Cổ
Các nhà khảo cổ ở Tây Ban Nha vừa khai quật được một cục đá có hình thù bắt mắt trong một tòa tháp bị phá hủy từ thời Trung Cổ.
Một cục đá có ngoại hình khá giống với dương vật nam, dài 15 cm, vừa được tìm thấy trong đống đổ nát của một tòa tháp thời Trung Cổ từ những năm của thế kỷ 15, nằm gần cửa sông Ria de Vigo, miền tây bắc Tây Ban Nha.
Đá hình dương vật được sử dụng thời Trung Cổ để mài vũ khí. (Ảnh: ArboreArqueoloxía).
Ngay sau khi cục đá được tìm thấy, một cuộc tranh cãi đã lập tức nổ ra giữa các nhà khảo cổ.
Một số cho rằng đây có thể là tàn tích của một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật. Số khác lại khẳng định đây là "vật bất li thân" với các chiến binh thời Trung Cổ. Theo cách giải thích này, đây thực chất là một viên đá mài, được sử dụng để làm sắc vũ khí.
"Đây chắc chắn là một đồ vật thú vị, bởi vì nó khác thường", Dario Pena-Pascual, một nhà khảo cổ học cho biết. "Nó dường như mang theo một mối liên hệ mang tính biểu tượng giữa bạo lực, vũ khí và nam tính - thứ vẫn hiện hữu trong nền văn hóa của chúng ta ngày nay".
Pena-Pascual cho biết đá mài rất dễ nhận dạng vì chúng vẫn còn lưu lại dấu vết của các vật liệu mà chúng tương tác. Trong trường hợp này, vật thể vẫn còn dấu vết mài mòn ở một cạnh, cho thấy nó đã từng được sử dụng nó làm đá mài.
Cách giải thích này dường như phù hợp hơn cả, bởi nó phụ thuộc vào bối cảnh nơi mà cục đá được tìm thấy. Đó từng là pháo đài bị phá hủy trong cuộc nổi dậy chống lại chính quyền thuộc về một lãnh chúa.
Theo Pena-Pascual, đã từng có nhiều cổ vật với ngoại hình tương tự, nhưng được tìm thấy ở những nơi khác nhau, được giới chuyên môn gọi là các "biểu tượng phallic". Chúng được xem như các bảo vật của tín ngưỡng, với tác dụng bảo vệ chủ nhân khỏi cái ác, giống như nhiều đồ vật thời Trung Cổ, như đèn, mặt nạ, mặt dây chuyền, nhẫn...