Công nghệ VR trị chứng rối loạn tích trữ
Rối loạn tích trữ là một dạng rối loạn tâm lý mà người bệnh có xu hướng tích trữ đồ vật trong nhà một cách quá mức và không cần thiết.
Một người đàn ông mắc chứng rối loạn tích trữ trong căn hộ bừa bộn của mình. (Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC).
Kết quả cuộc nghiên cứu vừa được đăng trên tờ Journal of Psychiatric Research, các nhà khoa học tại Đại học Stanford vừa khám phá ra việc sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để giúp những người mắc chứng rối loạn tích trữ đánh giá tài sản của họ và mạnh dạn dọn dẹp nhà cửa.
Theo đó, những người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tích trữ được trang bị tai nghe thực tế ảo và bộ điều khiển cầm tay, sẽ có cơ hội nhìn ngắm toàn cảnh ngôi nhà và tài sản của họ được tạo bằng các bức ảnh mô phỏng 3D, sau đó thực hành ảo việc phân loại và loại bỏ dần những món đồ.
Giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi Carolyn Rodriguez của Trường Y thuộc Đại học Stanford cho biết, kết quả này rất hứa hẹn. Sau 16 tuần tham gia trải nghiệm, có đến 78% số người tham gia đã xác nhận liệu pháp thực tế ảo đã giúp họ dễ buông bỏ đồ vật, quyết liệt hơn trong việc loại bỏ đồ đạc, bắt tay vào dọn dẹp không gian sống khi bước ra đời thực.