Công trình không tưởng có thể xuất hiện tại World Cup 2026
Công ty kiến trúc thực hiện bản thiết kế công trình này kỳ vọng viễn cảnh người hâm mộ chỉ cần ở nguyên tại chỗ còn sân vận động sẽ di chuyển đến chỗ họ.
Công trình “nửa tàu, nửa sân vận động”
Công ty Vincent Callebaut Architectures có trụ sở ở Paris vừa công bố bản thiết kế cho những sân vận động nổi hướng đến 2026 FIFA World Cup được tổ chức tại 3 quốc gia Bắc Mỹ (Canada, Mexico và Mỹ). Những thiết kế này mang tên Oceaniums, được đánh giá là phá vỡ những quy chuẩn về sân vận động truyền thống, mở ra một viễn cảnh người hâm mộ chỉ ở nguyên tại chỗ còn sân vận động sẽ tự đến với họ.
Sân vận động nổi Oceaniums.
Oceaniums có thể được gọi là “nửa tàu, nửa sân vận động” khi tọa lạc trên biền thay vì đất liền. Theo Vincent Callebaut Architectures, Oceaniums sẽ được xây dựng bằng các vật liệu tái chế và có nguồn gốc sinh học như gỗ, nhôm tái chế, tảo xanh và rác thải nhựa từ hòn đảo rác được mệnh danh là “lục địa thứ 7” trên đại dương. Sân vận động nổi này cũng sử dụng năng lượng tái tạo như bức xạ mặt trời năng lượng gió và các dòng hải lưu để di chuyển.
Nhóm thiết kế hướng tới mục tiêu mang đến tầm nhìn mới cho các hoạt động thể thao văn hóa, tạm biệt các sân vận động “lỗi thời” bằng hình thức thưởng thức thể thao du lịch mới mẻ, bền vững và có lợi cho môi trường. Nếu công trình này trở thành hiện thực, các quốc gia đăng cai World Cup và Thế vận hội Olympic sẽ không cần liên tục xây mới các sân vận động qua mỗi sự kiện.
Oceaniums sẽ được xây dựng bằng các vật liệu tái chế và có nguồn gốc sinh học
“Về mặt kiến trúc, những sân vận động nổi này lấy cảm hứng từ thuyết biến hình sinh học. Giống như thể các rạn san hô đang trong quá trình vôi hóa, bộ xương của động vật biển có vú trong nước biển và các sinh vật phát quang sinh học. Chúng đều thể hiện sự đa dạng sinh học của hệ động thực vật đại dương”, đại diện công ty này nói.
Ngoài ra, Vincent Callebaut Architecture còn cho biết chất thải nhựa sẽ trở thành vật liệu cho các máy in 3D kết nối với bộ xử lý trí tuệ nhân tạo. Công ty này kỳ vọng với sự phát triển của vô số thuật toán, đặc biệt là khả năng dự đoán của AI và công nghệ in 3D, cách thức này sẽ trở thành thiết yếu để hạn chế rủi ro do con người gây ra trên công trường xây dựng trong tương lai.
Sân vận động này lấy cảm hứng từ thuyết biến hình sinh học..
“Tham vọng của chúng tôi là biến những hạn chế về thời gian thành cơ hội để phát minh ra một hệ sinh thái thể thao mới dự trên nền kinh tế tuần hoàn nhằm mục đích tái tạo - không có gì bị mất và cũng không có gì được tạo ra, mọi thứ đều có thể tái chế.
Khi chất thải và ô nhiễm được biến thành tài nguyên và các nhiên liệu hóa thạch bị từ bỏ dần sẽ thúc đẩy sự phát triển của công nghệ năng lượng đại dương và năng lượng thủy triều, cũng như các nghiên cứu khoa học xung quanh mô phỏng sinh học biển”, Vincent Callebaut Architecture nhấn mạnh.
Cuộc "đại tu" của các sân vận động
Các đấu trưởng thể thao được tạo ra bởi AI có vẻ giống như một dự án thiết kế không bao giờ thành hiện thực hoặc chỉ là một giấc mơ xa vời. Nhưng một số quốc gia như Trung Quốc và Qatar đã xây dựng thành công các công trình thể thao ấn tượng.
Trong kỳ World Cup 2022 vừa qua, sân 974 được ghép từ 974 container tái chế đã trở thành sân vận động độc nhất vô nhị với hơn 40.000 chỗ ngồi và có thể tháo dỡ hoàn toàn sau khi giải đấu kết thúc.
Sân vận động 974.
Hình dáng của sân và khoảng trống giữa các ghế tạo điều kiện thông gió tự nhiên, không cần sử dụng công nghệ làm mát nhân tạo. Theo FIFA, thiết kế thông minh của sân 974 giúp tiết kiệm vật liệu xây dựng và giảm lượng nước sử dụng đến 40% so với việc phát triển sân truyền thống.
Sau khi hoàn tất việc tháo dỡ, vật liệu từ sân vận động 974 sẽ được tái chế và sử dụng tại Maldonado - Uruguay cho kỳ World Cup 2030.
Ngoài ra, sân vận động Cù Châu của Trung Quốc cũng đang được giới thiệu là khu phức hợp có mái che lớn nhất thế giới. Đây cũng được kỳ vọng trở thành sân vận động bán ngầm lớn nhất với diện tích hơn 33.000 m2, sức chứa 30.000 người. Sân vận động này được thiết kế để hấp thụ, lưu trữ nước mưa, giảm thiểu tác hại của mưa và giảm tiêu thụ năng lượng cũng như biến động nhiệt độ.
Sân vận động Cù Châu, Trung Quốc.
Công trình này được thiết kế hài hòa và tạo sự gắn kết với con người, hòa hợp với cảnh quan xunh quanh. Ngay cả khi sân không mở cửa, người dân vẫn có thể đi dạo trên những triền dốc được trải cỏ xanh quanh sân giống như khi tản bộ trong một công viên cảnh quan.