Công ty khởi nghiệp Mỹ hút CO2 từ không trung để chế kim cương
Một công ty khởi nghiệp đang hút CO2 từ bầu trời và tạo ra kim cương. Những viên ngọc quý giờ đây sẽ giúp chúng ta chống lại biến đổi khí hậu.
Một công ty khởi nghiệp đang hút CO2 từ bầu trời và tạo ra kim cương. (Ảnh: iStock)
Khi nghĩ đến kim cương, có một số hình ảnh xuất hiện trong tâm trí chúng ta; những người giàu có đeo chúng hoặc những người thợ mỏ làm việc khốn khổ để khai thác được những viên “kim cương máu". Điều đáng buồn là khai thác kim cương là một ngành công nghiệp gây lo ngại về vấn đề nhân quyền ngay cả với Quy trình Kimberly (Quy trình hợp tác quốc tế giữa nhiều quốc gia, tổ chức và ngành công nghiệp kim cương nhằm chứng nhận kim cương bán ra thị trường có nguồn gốc sạch, không xuất phát từ những vùng có xung đột và vấy máu người châu Phi).
Nhưng giờ đây, Aether Diamonds, một công ty khởi nghiệp được thành lập vào năm 2018, có trụ sở tại New York City (Mỹ) đã trở thành nhà sản xuất đầu tiên sử dụng carbon trong khí quyển để tạo ra kim cương bền vững.
"Chuẩn" kim cương?
Theo Aether, mỗi carat kim cương bán ra tương đương với 20 tấn CO2 được lấy từ khí quyển, sử dụng kết hợp các phương pháp thu giữ không khí trực tiếp (direct air capture - DAC) và các phương pháp loại bỏ carbon khác liên quan đến cô lập carbon lâu dài. Công suất khai thác CO2 cho một carat kim cương có thể bù đắp lượng khí thải carbon trung bình của người Mỹ trong 1,25 năm.
DAC là một quá trình thu giữ carbon dioxide (CO2) trực tiếp từ không khí và tạo ra một dòng CO2 tập trung để sử dụng trong sản xuất nhiên liệu trung tính carbon và gió.
Phương cách sản xuất này có thể giúp chống lại biến đổi khí hậu bằng cách loại bỏ carbon khỏi không khí và cũng giúp chính ngành công nghiệp nhờ ngăn chặn vi phạm nhân quyền trong khai thác kim cương.
Kim cương nhân tạo từ không khí cũng gián tiếp hạn chế nạn "kim cương máu".
Thu gom không khí trực tiếp đã là một phần trong sứ mệnh của Aether Diamonds ngay từ đầu. Hai nhà sáng lập Shearman và Wojno đã thành lập công ty sau khi tìm hiểu về tính năng thu không khí trực tiếp vào năm 2018. Họ miệt mài nghiên cứu để tìm ra cách chế tạo kim cương bằng carbon lấy từ không khí.
Năm ngoái, Aether Diamonds đã sản xuất hàng trăm carat kim cương và bắt đầu giao những viên kim cương đầu tiên cho khách hàng vào giữa năm 2021. Hiện tại, công ty có kế hoạch sản xuất hàng nghìn carat kim cương trong năm 2022.
Aether Diamonds hiện đã có thể bổ sung trạng thái B Corp đã được chứng nhận vào nhãn quyền của mình.
Để có được Chứng nhận B Corp, một công ty phải thể hiện hiệu quả hoạt động xã hội và môi trường cao, thực hiện cam kết pháp lý bằng cách thay đổi cấu trúc quản trị công ty để đảm bảo trách nhiệm giải trình và thể hiện tính minh bạch. Nhưng không dễ đạt được chứng chỉ này. Trong số hơn 100.000 công ty đã đăng ký xin chứng nhận trong thập kỷ qua, chỉ có khoảng 4.000 công ty đạt được.
Mỗi carat kim cương bán ra tương đương với 20 tấn CO2 được lấy từ khí quyển.
Kim cương được tạo ra từ khí CO2 như thế nào?
Aether Diamonds bắt đầu quy trình sản xuất kim cương bằng cách mua carbon dioxide (CO2) từ cơ sở Climeworks, một công ty thu khí trực tiếp hàng đầu có trụ sở tại Thụy Sĩ rồi vận chuyển đến Mỹ. Aether đưa khí CO2 đã mua vào một quy trình độc quyền, chuyển nó thành khí methane (mêtan, CH4) có độ tinh khiết cao. Khí methane sau đó được bơm trực tiếp vào các lò phản ứng kim cương, nơi sử dụng phương pháp lắng động hơi hoá học để tạo ra vật liệu kim cương thô trong vài tuần.
Quá trình lắng đọng hơi hóa học làm nóng khí đến nhiệt độ rất cao trong điều kiện gần chân không, tiêu thụ nhiều năng lượng. Nhưng khi công ty nhằm mục đích giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, quá trình lắng đọng hơi hóa chất và các công đoạn sản xuất khác của Aether chỉ sử dụng năng lượng từ các nguồn không có carbon như năng lượng mặt trời và hạt nhân.
Những viên kim cương thành phẩm được chuyển đến Surat, Ấn Độ, để cắt và đánh bóng, sau đó được gửi trở lại khu kim cương của Thành phố New York để bán ra thị trường.