Cực từ Bắc đang chuyển đến Nga
Chuyển động của cực từ Bắc đang gây nên vấn đề nghiêm trọng cho ngành hàng không, hàng hải và đời sống hoang dã.
Một điều tưởng như hết sức bất thường lại đang xảy ra trong thực tế: Cực từ Bắc đang di chuyển với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử loài người, đe dọa mọi thứ từ giao thông hàng không, hàng hải đến hành trình di trú của các loài chim hoang dã.
Giới địa chất học cho rằng, cực từ Bắc (khác cực Bắc) luôn di chuyển do sự thay đổi ở lõi trong của quả địa cầu. Con người lần đầu tiên xác định được cực từ Bắc vào năm 1831, và sau gần 1 thế kỷ ổn định ở đảo Ellesmere (Canada), nó bắt đầu di chuyển theo hướng đông bắc với tốc độ 14,4 km/năm. Tốc độ này đột nhiên tăng dần vào năm 1989, và hiện cực từ Bắc đang trực chỉ đến Siberia (Nga) với tốc độ khoảng 64 km/năm, theo nhà địa chất học Jeffrey Love của Tổ chức Khảo sát địa chất Mỹ ở Colorado. Theo National Geographic dẫn lời Joe Stoner của Đại học bang Oregon, cực từ Bắc đã di chuyển hơn 1.100 km trong thế kỷ qua.
Trái đất giống như thỏi nam châm khổng lồ với 2 cực từ Bắc -Nam - Ảnh: Nat Geo
Trước tình hình trên, có suy đoán cho rằng, từ trường đang chuẩn bị đổi cực, khiến la bàn chỉ về hướng nam chứ không phải hướng bắc, điều chỉ xảy ra từ 3 đến 7 lần mỗi một triệu năm. Hiện tượng này đang tạo nên vấn đề thực sự trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Tốc độ di chuyển hiện tại của cực từ Bắc khỏi đảo Ellesmere đang khiến la bàn lệch đi 1 độ trong mỗi 5 năm, buộc Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phải thay đổi các đường băng trên toàn quốc trong thời gian này. Ví dụ phi trường quốc tế Tampa tại Florida (Mỹ) vừa bỏ 1 tháng trời để thay đổi 3 đường băng để tránh tình trạng máy bay có thể đáp nhầm sang sân bay khác vì lệch tọa độ. Các sân bay khác của Mỹ cũng đang đối mặt với tình hình tương tự. Thế nhưng, cho dù tăng phí tổn và sự bất tiện chưa từng thấy khi buộc phải điều chỉnh lại đường băng tại Bắc Mỹ, chưa kể là chuyện mất đi cực từ Bắc vào tay người Nga, cư dân Bắc Mỹ chắc hẳn sẽ bớt cau có khi biết được họ sẽ nhiều cơ hội hơn để chứng kiến sắc màu bí ẩn của cực quang.
Hệ thống định vị GPS, vốn dựa dẫm hoàn toàn vào các vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất, từ lâu đã thay thế la bàn làm kim chỉ nam cho các hoạt động định vị chuyên nghiệp. Tuy nhiên, la bàn vẫn còn tồn tại và được sử dụng rộng rãi trong giới leo núi hoặc các nhà thám hiểm không chuyên. Tại một số địa điểm, như ở dưới nước hoặc trong lòng đất, xa tầm với của các tín hiệu vệ tinh, la bàn vẫn là lựa chọn duy nhất. Ngành khai thác dầu, sử dụng nam châm để tính toán điểm khoan dầu, cần phải biết được vị trí chính xác của cực từ Bắc mới hoạt động được. Đó là chưa kể hiện tượng đảo cực có thể ảnh hưởng đến cuộc sống trong tự nhiên. Những loài chim luôn bay về phía nam để tránh đông, cùng với những sinh vật thường di trú trong lòng đại dương, có thể lâm vào tình trạng hỗn loạn. Các động vật như cá voi và rùa biển trong tương lai có thể cần phải điều chỉnh các bản năng di trú của chúng nếu không muốn đi lạc đường.
Không ai có thể dự đoán được tác động của tình trạng chuyển cực từ vì lần đổi cực gần đây nhất là 780.000 năm trước, khoảng thời gian ổn định lâu nhất trong vòng 5 triệu năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chẳng có gì phải lo lắng vì quá trình này diễn ra rất chậm chạp, và không sớm thì muộn con người cũng sẽ tìm được cách đối phó với sự biến chuyển bất thường này.