Cụm hố đen khối lượng gấp khoảng 300 triệu lần Mặt Trời
Lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện thiên hà chứa ba hố đen siêu khối lượng nằm gần nhau ở khu vực trung tâm.
Nhóm nghiên cứu sử dụng Kính viễn vọng rất lớn (VLT) tại Chile để quan sát thiên hà NGC 6240, CNN hôm 21/11 đưa tin. Với hình dạng khác thường, thiên hà này từng được cho là hình thành khi hai thiên hà nhỏ hơn va chạm rồi sáp nhập. NGC 6240 cách Trái Đất không xa, khoảng 300 triệu năm ánh sáng, tạo điều kiện cho giới khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng.
Vị trí của ba hố đen N, S1, S2 trong thiên hà NGC 6240. (Ảnh: CNN).
Hố đen siêu khối lượng đóng vai trò như động cơ cung cấp năng lượng ở trung tâm các thiên hà, bao gồm cả dải Ngân Hà. Do vụ sáp nhập, các nhà khoa học cho rằng thiên hà NGC 6240 có thể chứa hai hố đen ở trung tâm. Tuy nhiên, quan sát mới hé lộ, trung tâm NGC 6240 chứa đến ba hố đen, mỗi cái có khối lượng gấp hơn 90 triệu lần Mặt Trời.
"Qua các quan sát với độ phân giải cao, chúng tôi có thể chứng minh rằng hệ thiên hà tương tác NGC 6240 chứa ba hố đen siêu khối lượng ở trung tâm, không phải hai như nhận định trước đó", Wolfram Kollatschny, tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư Đại học Göttingen, cho biết. Chúng nằm trong vùng không gian trải rộng 3.000 năm ánh sáng, nhỏ hơn 1/100 kích thước thiên hà.
"Giới khoa học chưa từng quan sát được ba hố đen tập trung gần như vậy cho đến nay. Trường hợp này cung cấp bằng chứng về việc ba thiên hà sáp nhập cùng lúc, kéo theo các hố đen ở trung tâm", Peter Weilbacher, chuyên gia tại Viện Vật lý Thiên văn Leibniz tại Potsdam, bổ sung.
Phát hiện mới giúp các nhà thiên văn hiểu thêm về sự phát triển của thiên hà, đặc biệt là những thiên hà lớn nhất vũ trụ. Quá trình hình thành của các thiên hà này vẫn còn nhiều bí ẩn. Kích thước của chúng không thể giải thích bằng những loại tương tác và sáp nhập mà giới khoa học quan sát được trong quá khứ.
"Nếu xảy ra trường hợp vài thiên hà sáp nhập cùng lúc, những thiên hà lớn nhất với hố đen siêu khối lượng ở trung tâm có thể phát triển nhanh hơn nhiều. Phát hiện của chúng tôi cung cấp bằng chứng đầu tiên về trường hợp này", Weilbacher nói.
Qua thời gian, khoảng vài triệu năm, ba hố đen siêu khối lượng có thể hợp nhất, nhóm nghiên cứu nhận định. Lần hợp nhất này sẽ tạo ra những sóng hấp dẫn, hay dao động trong trường không gian - thời gian vô cùng mạnh.

Những sự thật thú vị về vũ trụ có thể bạn chưa biết
Cho tới nay, thế giới vũ trụ rộng lớn vẫn còn là chứa đựng nhiều điều bí ẩn mà khoa học hiện đại vẫn chưa khám phá hết.

Tên lửa hoạt động như thế nào trong không gian?
Trên thực tế, ở không gian vũ trụ không có không khí, vậy làm thế nào tên lửa có thể đốt cháy động cơ và nhiên liệu thiết yếu cần có trong không gian?

10 điều kỳ lạ nhất của vũ trụ
Lỗ đen có kích thước tương đương hạt nhân nguyên tử, thiên hà "ăn thịt", những hạt vật chất có khả năng đâm xuyên qua lớp chì dày hàng chục km chỉ là vài trong số những phát hiện gây sốc nhất về không gian bên ngoài trái đất.

Sống trên Mặt trăng hay sao Hỏa tốt hơn? Khoa học đã có câu trả lời!
Liệu nên sống ở Mặt trăng hay sao Hỏa nếu con người cần di chuyển đến một nơi ở khác ngoài Trái đất?

Các hành tinh trong Hệ Mặt trời
Hệ Mặt trời (hay Thái Dương Hệ) là hệ hành tinh gồm có Mặt Trời ở trung tâm và các vật quay xung quanh.

Tổng quan về sao Hỏa
Sao Hỏa còn gọi là: Hỏa Tinh, là hành tinh thứ tư tính từ Mặt Trời trong Thái Dương Hệ. Đôi khi hành tinh này còn được gọi tên là Hỏa Tinh.
