Cụm vật thể "từ thế giới khác" hiện ra giữa thiên hà chứa Trái đất
Kính viễn vọng không gian Gaia của ESA và Kính viễn vọng Canada - Pháp - Hawaii cùng ghi nhận được một dòng sao kỳ lạ, rõ ràng không thuộc về thiên hà chúng ta.
Được đặt tên là C-19, dòng sao mới phát hiện là tàn tích của một cụm sao cầu cổ đại, chứa các ngôi sao có tính kim loại cực thấp, với hàm lượng nguyên tố nặng thấp hơn Mặt trời đến 2.500 lần.
Thiên hà chứa Trái đất và dòng sao C-19 (màu đỏ cam) - (Ảnh: Gemini Observatory / NOIRLab / NSF / AURA / J. da Silva / Spaceengine / M. Zamani)
Theo Sci-News, nếu nhìn thấy được bằng mắt thường, chúng ta sẽ thấy C-19 trải rộng trên bầu trời đêm với độ dài bằng 30 mặt trăng tròn xếp cạnh nhau. Quỹ đạo của nó cách trung tâm thiên hà chứa Trái đất Milky Way (Ngân Hà) ở điểm gần nhất là 20.000 năm ánh sáng, xa nhất là 90.000 năm ánh sáng.
Tiến sĩ Jonay González từ Viện Vật lý thiên văn Canarias (Tây Ban Nha), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết dựa vào các tính chất dị biệt so với những ngôi sao khác trong Milky Way, dòng sao C-19 phải có nguồn gốc từ một thiên hà khác.
Sau khi xác định được C-19 qua dữ liệu của 2 kính viễn vọng nói trên, các nhà khoa học đã khảo sát thêm bằng Kính viễn vọng Gemini North và thiết bị GRACES của nó, giúp nhận ra rằng C-19 là tàn tích của một cụm sao cầu. Cụm sao cầu có nguồn gốc từ các thế hệ sao rất sớm, do đó C-19 chính là một trong những "hóa thạch" sống động từ bình minh vũ trụ.
Nó được đưa vào thiên hà chứa Trái đất trong một vụ va chạm khốc liệt, mà kết quả là thiên hà chủ của nó đã bị "quái vật" Milky Way khổng lồ của chúng ta nuốt chửng.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature.