Cuộc đời của cha đẻ ngành Phân tâm học 200 năm trước
Gia đình cùng khoảng thời gian thơ ấu đã đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp sáng lập và nghiên cứu Phân tâm học của Sigmund Freud.
Sigmund Freud là một nhà thần kinh học người Áo và là cha đẻ của trường phái Phân tâm học. Ông được coi là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất và đồng thời cũng là nhân vật gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử hiện đại.
Sigmund Freud tên thật là Sigismund Schlomo Freud sinh ngày 6/5/1856 tại một thị trấn nhỏ ở Moravia (ngày nay thuộc Cộng hòa Séc). Freud sinh ra trong một gia đình Do Thái, có bố là thương nhân. Cuộc sống gia đình của ông hơi khác thường và có phần phức tạp. Cha ông là Jakob Freud, đã 40 tuổi khi cưới mẹ của Freud, là bà Amalia Nathanson, người trẻ hơn 20 tuổi và là đời vợ thứ hai. Amalia chỉ hơn đứa con với vợ trước của Jakob vài tuổi.
Chân dung Sigmund Freud.
Sống trong một gia đình nhiều anh chị em, Freud gặp khó khăn trong việc tạo dựng mối quan hệ thân thiết với cha mình. Một phần lý do là vì Jakob từng kể cho Freud nghe một câu chuyện về việc ông từng bị một người Cơ đốc giáo người Áo hiếp đáp. Người đàn ông này đã quăng chiếc mũ của Jakob Freud vào chỗ sình lầy trên đường và sau đó ra lệnh cho "tên Do Thái" tránh ra khỏi vỉa hè. Khi Freud hỏi cha mình đã phản ứng như thế nào, ông nói rằng mình chỉ bước ra khỏi vỉa hè và nhặt chiếc mũ của mình lên. Freud rất thất vọng bởi vì cho rằng cha mình thật yếu đuối.
Mặc dù mối quan hệ cha con của Freud không được như mong đợi, cha của ông cũng là một người yêu thương và quan tâm đến con cái. Chính vì thế, Freud vẫn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cha mình.
Khi Jakob qua đời, Freud viết cho một người bạn của mình nói rằng sự ra đi của cha đã ảnh hưởng sâu sắc đến ông, khiến ông cảm thấy bị xáo trộn. Ông cho rằng cái chết của một người cha là sự kiện quan trọng nhất, sự mất mát sâu sắc nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Sự kiện này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của Freud. Nó đã mở đầu cho quá trình tự phân tích của Freud, giúp ông viết nên cuốn sách Giải nghĩa giấc mơ và xây dựng lý thuyết nổi tiếng về phức cảm Oedipus của mình.
Mối quan hệ của Freud với mẹ cũng khá phức tạp. Bà luôn tự hào về con trai mình và là người có ảnh hưởng rất mạnh mẽ, tích cực suốt cuộc đời Freud. Trong quá trình tự phân tích bản thân vào khoảng năm 1897, Freud đã nhớ ra những ký ức từ những năm đầu đời của mình, về tình cảm đặc biệt ông dành cho mẹ. Ông nhớ ra sự ghen tỵ sâu sắc của mình khi em trai Julius chào đời, ngay trước khi Freud được 2 tuổi. Quá ghen tức đến nỗi ông cảm thấy vui mừng trước cái chết của người em này.
Mỗi sự kiện trên đều tác động đến lý thuyết về Phức cảm Oedipus của Freud. Tuy nhiên, trong 2 năm đầu tiên của cuộc đời, ông thật ra rất ít thời gian với mẹ và chủ yếu được nuôi dưỡng bởi một vú nuôi. Người vú này được mô tả là một phụ nữ già nua xấu xí nhưng được Freud rất yêu quý, thậm chí hay mơ về. Người vú nuôi này là một người Công giáo La Mã sùng đạo và thường xuyên đưa Freud đến nhà thờ. Mỗi khi từ nhà thờ trở về, Freud thường thuyết giảng cho gia đình về Chúa.
Gia đình là người Do Thái và ông thường hay đi đến nhà thờ cùng vú nuôi lúc còn nhỏ, khi trưởng thành Freud lại phản đối tôn giáo và trở thành người vô thần. Một trong những lý giải là do sự kết thúc đột ngột của mối quan hệ giữa ông với người vú nuôi khi bà bị anh trai của Freud cáo buộc tội ăn cắp và phải đi tù. Lúc này, mẹ của Freud mới sinh em bé nên cũng không thể chăm sóc ông. Cậu bé 2 tuổi cảm thấy bị bỏ rơi quá đột ngột bởi cả 2 người phụ nữ quan trọng để rồi sau đó sự tức giận và thất vọng dẫn đến việc chối bỏ toàn bộ các quan điểm tôn giáo và trở thành người vô thần.
Sau khi chuyển đến Vienna, Freud theo học ngành y tại Đại học Vienna vào năm 1873 và bắt đầu sự nghiệp của mình tại đây. Chính gia đình ông cùng khoảng thời gian thơ ấu đã đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp sáng lập và nghiên cứu Phân tâm học của Sigmund Freud, một trong những học thuyết có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Tâm lý học nói riêng và lịch sử nhân loại nói chung của thế kỷ 20.