Cuộc đụng độ giữa hai thiên hà
Các nhà khoa học Mỹ cho hay đài quan sát thiên văn tia X của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) trên quỹ đạo Trái đất là Chandra đã cung cấp những chi tiết ấn tượng về một đám mây khí nóng khổng lồ bao bọc hai thiên hà đang va vào nhau.
Với tỉ trọng gấp 10 tỉ lần mặt trời, khối khí nóng khổng lồ trên trải dài khắp 300.000 năm ánh sáng và tỏa ra nhiệt độ 6,94 triệu độ C.
Hình ảnh tuyệt đẹp về sự đụng độ của hai thiên hà - (Ảnh: NASA)
Đám mây khí với kích thước khủng khiếp này, gọi là vòng sáng, đang bao quanh hai thiên hà xoắn ốc lớn cỡ Dải Ngân hà.
Mỗi thiên hà chứa một hố đen siêu lớn tại tâm của nó, theo Space.com dẫn thông cáo báo chí của Đài Quan sát Vật lý học Smithsonian ở Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ).
Các hố đen xoay quanh nhau và có thể dần dần hợp thể để tạo thành một hố đen lớn hơn nữa.
Vòng xoáy khủng khiếp của đám khí nóng bao quanh được tạo ra trong quá trình hợp nhất của các thiên hà đã sản sinh những ngôi sao mới, có tuổi đời ít nhất 200 triệu năm.
Các nhà khoa học đánh giá rằng vụ đụng độ trên đã cung cấp một cơ hội vàng cho giới chuyên gia Trái đất về một phiên bản gần như tương tự các sự kiện hợp nhất của những thiên hà trong thời đầu của vũ trụ.