Dải Ngân hà trước nguy cơ bị tấn công
Dải Ngân hà đang đối mặt với nguy cơ bị thiên hà láng giềng tấn công trong vòng 2,5 tỉ năm, khiến siêu hố đen thức giấc và hệ mặt trời với Trái đất bị đẩy vào không gian xa xôi.
Nếu vượt qua muôn trùng thử thách đến từ thay đổi khí hậu, nguy cơ tiểu hành tinh tấn công, trái đất có lẽ vẫn phải đối mặt với ngày tận thế khi hệ mặt trời bị tống vào không gian liên vì sao, sau khi kết quả tính toán mới đã rút ngắn thời gian Dải Ngân hà sẽ va chạm với thiên hà láng giềng.
Trước đó, giới thiên văn học dự báo thiên hà Tiên Nữ, một thiên hà xoắn ốc cách chúng ta 2,5 triệu năm ánh sáng, có thể đụng độ với Dải Ngân hà trong khoảng 4 tỉ năm nữa. Tuy nhiên, các nhà vật lý học thiên thể của Đại học Durham (Anh) và Đại học Helsinki (Phần Lan) phát hiện mối nguy hiểm lớn hơn đến từ một thiên hà lùn khác gọi là Large Magellanic Cloud (LMC - Đám mây Magellan Lớn) trong thời gian ngắn hơn nhiều, theo báo cáo trên chuyên san Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.
LMC và SMC nằm bên phải phần trung tâm của Dải Ngân hà.
Sự tấn công bất ngờ
LMC và SMC (viết tắt từ Small Magellanic Cloud, tức Đám mây Magellan Nhỏ) là hai viên ngọc tuyệt đẹp của bầu trời đêm ở nam bán cầu. Thời điểm dễ dàng quan sát chúng nhất là từ giữa tháng 10 đến tháng 2 năm sau. LMC và SMC được kết nối bởi một luồng khí gas, cho thấy chúng có lẽ từng quyện vào nhau trong quá khứ. Cả hai đều xoay quanh Dải Ngân hà kể từ 1,5 tỉ năm trước.
Các chuyên gia cho rằng LMC, cách thiên hà chúng ta khoảng 163.000 năm ánh sáng, theo thời gian sẽ bị trôi đi. Thế nhưng, kết quả nghiên cứu mới nhất lại phủ định khả năng này, mà thay vào đó LMC sẽ lao về phía Dải Ngân hà. Vào thời điểm hiện tại, ước tính LMC đang kéo giãn khoảng cách với Dải Ngân hà với tốc độ khoảng 400 km/giây, nhưng đội ngũ chuyên gia dự đoán tốc độ này sẽ dần chậm lại và đến thời điểm thiên hà này sẽ quay về hướng chúng ta trước khi đâm vào Dải Ngân hà trong vòng 2,5 tỉ năm nữa.
Rủi ro hay may mắn?
“Toàn bộ Dải Ngân hà sẽ rung chuyển và cả hệ mặt trời sẽ bị tống vào không gian”, theo tiến sĩ Carlos Frenk, Giám đốc Viện Vũ trụ máy tính thuộc Đại học Durham. “Nếu có ngày đó xảy ra, tôi không nghĩ ra được con cháu của chúng ta, trong trường hợp vẫn còn sống trên bề mặt địa cầu, lại có thể chịu đựng được tình cảnh như thế”, tạp chí Forbes dẫn lời tiến sĩ Frenk.
Không dừng lại ở đó, sự va chạm giữa hai thiên hà có thể đánh thức siêu hố đen ở giữa Dải Ngân hà, gọi là Sagittarius A*, khiến nó thoát khỏi tình trạng ngủ đông và bắt đầu cắn nuốt khí gas xung quanh và phình to gấp 10 lần hơn hiện nay. “Trong khi 2 tỉ năm có vẻ vô tận nếu so với đời người, trên thực tế nó chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi của vũ trụ”, tác giả chính của cuộc nghiên cứu, tiến sĩ Marius Cautun của Đại học Durham. Thế nhưng, có lẽ sự va chạm với LMC sẽ giúp kéo dài thời gian Dải Ngân hà bị thiên hà Tiên Nữ hủy diệt. Với trọng lượng gấp 5 lần LMC, thiên hà Tiên Nữ sẽ phá hủy hoàn toàn Dải Ngân hà vào thời điểm va chạm. Nhờ sự hợp nhất với LMC, Dải Ngân hà bị đẩy ra xa hơn và kéo dài thời gian đụng độ với Tiên Nữ thêm vài tỉ năm nữa.