Đánh thức tế bào "ngủ đông" giúp não tự chữa lành vết thương
Mới đây, các nhà khoa học vừa phát hiện ra một loại tế gốc mới giúp não có thể tự phục hồi sau chấn thương. Thậm chí nó còn giúp chữa cả chứng mất trí nhớ - Alzheimer thường gặp ở tuổi già.
Loại tế bào này được đặt tên là “Tế bào gốc tĩnh lặng G2” vì nó là một trong số hàng triệu tế bào đang ngủ quên (bất động) trong não của chúng ta. Nhưng khác với những tế bào khác, tế bào này có tiềm năng tái sinh lớn hơn rất nhiều. Nó có thể tạo ra bất kì loại tế bào nào mà cơ thể cần.
Đây là một trong số hàng triệu tế bào đang ngủ quên (bất động) trong não của chúng ta.
Theo hai nhà nghiên cứu từ Đại học Cambridge, Anh Quốc: "nếu chúng ta có thể tìm ra phương pháp để kích hoạt và khai thác các tế bào gốc này, ta có thể sử dụng chúng thay cho các cuộc phẫu thuật phức tạp".
"Dù khả năng tự lành của não là rất ít nhưng với tế bào gốc mới phát hiện này ta có thể tìm ra cách để cải thiện chức năng này của não. Các tế bào gốc ở trạng thái ngủ đông khi được đánh thức có khả năng tạo ra các tế bào não quan trọng. Đây chính là chìa khóa để phát triển các nghiên cứu ứng dụng điều trị tiếp theo", nhà sinh vật học phân tử Andrea Brand cho biết thêm.
Điều này có nghĩa là các tế bào gốc đang "say giấc" phải được đánh thức khỏi giấc ngủ trước khi chúng được dùng để tạo ra các tế bào mới khác. Tuy nhiên, hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách để đánh thức chúng.
Dù vậy, dấu hiệu tiến triển khá tốt khi cuộc nghiên cứu trên ruồi giấm đã chứng mình được rằng “tế bào gốc G2” có thể được đánh thức rất nhanh để bắt đầu sản xuất nơ-ron, tế bào thần kinh trung gian và các loại tế bào chủ chốt khác trong não. Loài ruồi giấm này có cấu trúc ADN rất giống con người với hơn 60% cấu trúc gen liên quan đến các bệnh về não. Do vậy, nghiên cứu thử nghiệm trên ruồi giấm là đáng tin cậy.
Tế bào gốc bắt đầu thức giấc trong não ruồi giấm. (Ảnh: Andrea Brand/Leo Otsuki).
Trong cuộc nghiên cứu trên ruồi giấm, các nhà khoa học xác định được 1 loại gene tên là tribbles có chức năng chính trong việc điều khiển hoạt động của tế bào G2. Các nhà khoa học tin rằng cũng sẽ có một loại gen nào đó có chức năng tương tự như gene tribbles này ở con người nhưng ở mức độ phức tạp hơn.
Một trong những nhà nghiên cứu, Leo Otsuki, cho biết: "Chúng tôi đã tìm ra gen điều khiển các tế bào ngủ đông làm chúng không hoạt động. Bước tiếp theo là chúng tôi sẽ nghiên cứu một loại thuốc phân tử có khả năng khóa gene này để đánh thức các tế bào ngủ đông".
Nghiên cứu mới này sẽ không chỉ dừng lại ở bên trong bộ não con người bởi theo các nhà khoa học, chúng ta có thể tìm thấy loại tế bào gốc tương tự ở các bộ phận khác của cơ thể và có thể điều khiển chúng nếu tìm ra những dấu hiệu hóa học đúng đắn.
Otsuki cho biết: "Chúng tôi tin rằng có thể có những tế bào gốc tĩnh lặng tương tự ở các cơ quan khác, và khám phá này có thể giúp cải thiện hoặc phát triển các loại thuốc tái tạo mới".
Vẫn còn có nhiều điều chúng ta chưa biết về bộ não của chúng ta cũng như cách nó hoạt động bên trong. Ta không biết những tế bào não được tạo ra như thế nào và căn bệnh bắt nguồn từ đâu. Một khi những căn bệnh như Parkinson (rối loạn hệ thần kinh trung ương) hay bệnh Huntington (bệnh múa giật sa sút trí tuệ) bắt đầu diễn ra thì rất khó để ngăn chặn.
Tin vui là khoa học đang tiến bộ dần theo thời gian. Dù các liệu pháp điều trị tổn thương não hiện thời được ưu tiên sử dụng rộng rãi, nghiên cứu tìm ra một tế bào tự nhiên bên trong cơ thể có đóng góp quan trọng cho việc điều trị tổn thương não trong tương lai.