Đào ao bất ngờ phát hiện "kho báu" gần núi Tàu
Ngày 2/7, ông Nguyễn Xuân Lý, Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận cho biết, đã liên lạc với ông P, để đưa “kho báu” mà người này cho rằng vừa phát hiện gồm nhiều cổ vật để lập hội đồng xem xét, giám định.
Trước đó, theo nguồn tin của chúng tôi, chiều 1/7, gia đình ông P dùng xe máy múc để đào ao trong vườn nhà tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong. Khi đào xuống khoảng 5m thì bất ngờ phát hiện nhiều tượng kim loại màu vàng. Số tượng này đều lấm lem bùn đất nhưng khi chùi rửa đều sáng choang.
Số "cổ vật" được phát hiện.
Được biết số tượng này gồm một bình hồ lô; một tượng Phật Di Lặc cưỡi cá chép, hai con cóc ngậm tiền …Khi lắc phía trong rỗng ruột và nghe như âm thanh va chạm giữa kim loại mà người phát hiện cho là vàng.
Toàn bộ số tượng trên đều có hoa văn rất tinh xảo, phía dưới tượng đều có khắc chữ Hán. Các cổ vật này đều có trọng lượng hơn 1kg riêng tượng Phật Di lặc cưỡi cá chép nặng khoảng 1,6kg.
Ông P. cho biết, sở dĩ mình tin tưởng số cổ vật vừa phát hiện là cổ vật quý là do địa điểm phát hiện cũng nằm không xa núi Tàu, nơi hàng chục năm qua đã có nhiều đồn thổi, huyền thoại về kho báu 4.000 tấn vàng của quân đội Nhật chôn giấu đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Toàn bộ số cổ vật đều có hoa văn tinh xảo, dưới đáy tượng đều khắc chữ Hán.
Theo một chuyên gia bảo tồn, bảo tàng ở Bình Thuận, ngay từ đầu thế kỷ XVII do cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài, nhân dân từ các tỉnh Đàng Ngoài đã kéo vào vùng đất sát biển phía bắc Bình Thuận lập chốn định cư.
Sau đó địa danh Tuy Phong chính thức có từ năm Minh Mạng thứ 13 (1827). Vùng đất Tuy Phong đặc biệt là Vĩnh Hảo cũng có rất nhiều huyền thoại như cầu Đại Hòa từng có tên là cầu Chiêu Quân.
Đây là địa điểm mà vua Gia Long khi bị quân Tây Sơn truy đuổi chạy đến đã sử dụng vùng này để chiêu mộ binh sĩ từ miền Trung vào, phía Nam ra, nhất là lực lượng tại chỗ và các vùng lân cận, sau đó đưa về vùng đất Láng Lớn cách đó 6km để huấn luyện. Do đó khu vực này nhiều người dân cho biết vẫn thỉnh thoảng đào được nhiều cổ vật quý hiếm.