Dầu cá hay dầu nhuyễn thể tốt hơn?
Dầu nhuyễn thể được cho là dễ hấp thụ hơn, chứa nhiều chất chống oxy hóa và tốt cho tim mạch hơn dầu cá, tuy nhiên giá thành cao hơn dầu cá khoảng 10 lần.
Dầu cá - có nguồn gốc từ các loại cá béo như cá cơm, cá thu và cá hồi - là một trong những thực phẩm bổ sung phổ biến nhất trên thế giới. Lợi ích sức khỏe của nó chủ yếu đến từ hai loại axit béo omega-3 là axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA). Cả hai đều đã được chứng minh là cải thiện sức khỏe của tim và não, cùng nhiều lợi ích khác.
Gần đây, một thực phẩm bổ sung khác là dầu nhuyễn thể nổi lên như một sản phẩm khác giàu EPA và DHA. Một số người thậm chí còn cho rằng dầu nhuyễn thể mang lại nhiều lợi ích hơn dầu cá.
Dầu nhuyễn thể và dầu cá đều có chứa AHA và DHA, tốt cho sức khỏe não bộ và tim mạch. (Ảnh: foodsforantiaging).
Dầu nhuyễn thể là gì?
Dầu nhuyễn thể có nguồn gốc từ loài giáp xác nhỏ là nhuyễn thể Nam Cực. Những sinh vật biển này là nguồn thức ăn chủ yếu cho nhiều loài động vật, gồm cá voi, hải cẩu, chim cánh cụt và các loài chim khác.
Giống dầu cá, dầu nhuyễn thể rất giàu EPA và DHA, hai loại axit béo omega-3 mang lại hầu hết lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, các axit béo trong dầu nhuyễn thể có cấu trúc khác với các axit béo trong dầu cá và điều này có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng chúng.
Dầu nhuyễn thể cũng có vẻ ngoài khác với dầu cá. Trong khi dầu cá thường có màu vàng, dầu nhuyễn thể có màu đỏ nhờ một chất chống oxy hóa tự nhiên tên là astaxanthin.
Cơ thể có thể hấp thụ dầu nhuyễn thể tốt hơn
Mặc dù dầu cá và dầu nhuyễn thể đều là nguồn cung cấp EPA và DHA tuyệt vời, một số nghiên cứu cho thấy cơ thể có thể hấp thụ và sử dụng các axit béo trong dầu nhuyễn thể tốt hơn so với dầu cá.
Các axit béo trong dầu cá được tìm thấy dưới dạng chất béo trung tính. Mặt khác, phần lớn axit béo trong dầu nhuyễn thể được tìm thấy ở dạng phospholipid, mà nhiều chuyên gia tin rằng giúp tăng khả năng hấp thụ và hiệu quả của chúng.
Một nghiên cứu đã cho những người tham gia dùng cá hoặc dầu nhuyễn thể và đo nồng độ axit béo trong máu của họ vài ngày tới. Sau 72 giờ, nồng độ EPA và DHA trong máu cao hơn ở những người dùng dầu nhuyễn thể. Những kết quả này cho thấy những người tham gia hấp thụ dầu nhuyễn thể tốt hơn dầu cá.
Một nghiên cứu khác đã cho người tham gia dùng dầu cá hoặc khoảng 2/3 lượng dầu nhuyễn thể tương tự. Cả hai phương pháp điều trị đều làm tăng nồng độ EPA và DHA trong máu như nhau, dù liều lượng dầu nhuyễn thể thấp hơn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia xem xét tài liệu và kết luận rằng không có đủ bằng chứng chứng minh rằng dầu nhuyễn thể được hấp thụ hoặc sử dụng tốt hơn dầu cá. Theo họ, cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi có thể đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào.
Dầu nhuyễn thể chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn
Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi stress oxy hóa, một loại tổn thương tế bào do các phân tử gốc tự do gây ra. Dầu nhuyễn thể có chứa chất chống oxy hóa là astaxanthin, không có trong hầu hết loại dầu cá.
Nhiều người cho rằng astaxanthin trong dầu nhuyễn thể bảo vệ nó khỏi quá trình oxy hóa và giữ không bị ôi thiu trên kệ. Nghiên cứu đã chứng minh rằng đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của astaxanthin có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe tim mạch.
Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy astaxanthin làm giảm chất béo trung tính và tăng cholesterol HDL "tốt" ở những người tăng nhẹ lipid trong máu. Tuy nhiên, nghiên cứu này sử dụng astaxanthin với liều lượng lớn hơn nhiều so với những gì bạn thường nhận được từ việc bổ sung dầu nhuyễn thể. Không rõ liệu số lượng nhỏ hơn có mang lại lợi ích tương tự hay không.
Dầu nhuyễn thể có thể cải thiện sức khỏe tim mạch hơn dầu cá
Dầu cá được biết đến nhiều nhất nhờ tác dụng có lợi với sức khỏe tim mạch, nhưng một số nghiên cứu chứng minh rằng dầu nhuyễn thể cũng cải thiện sức khỏe tim mạch, có thể ở mức độ lớn hơn.
Một nghiên cứu yêu cầu những người tham gia bị cholesterol trong máu cao dùng dầu cá, dầu nhuyễn thể hoặc giả dược hàng ngày trong ba tháng. Liều lượng thay đổi tùy trọng lượng cơ thể.
Kết quả là người ta phát hiện ra cả dầu cá và dầu nhuyễn thể đều cải thiện một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, họ cũng nhận thấy dầu nhuyễn thể có hiệu quả hơn dầu cá trong việc giảm lượng đường trong máu, chất béo trung tính và cholesterol LDL "xấu". Nghiên cứu cho thấy dầu nhuyễn thể có hiệu quả hơn dầu cá, mặc dù nó được dùng với liều lượng thấp hơn.
Dầu cá rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn
Mặc dù dầu nhuyễn thể có thể có chung, thậm chí vượt xa nhiều lợi ích sức khỏe của dầu cá, nó có giá thành cao hơn. Do phương pháp thu hoạch và chế biến tốn kém nên dầu nhuyễn thể thường có thể đắt gấp 10 lần so với dầu cá.
Tuy nhiên, dầu cá không chỉ rẻ hơn. Nó cũng dễ tiếp cận hơn nhiều. Tùy thuộc vào từng nơi, bạn có thể gặp khó khăn hơn trong việc tìm mua dầu nhuyễn thể và sẽ tìm thấy ít lựa chọn hơn dầu cá.
Nên dùng dầu nhuyễn thể hay dầu cá?
Nhìn chung, cả dầu cá và dầu nhuyễn thể đều là nguồn cung cấp axit béo omega-3 và đã có nghiên cứu chất lượng để hỗ trợ lợi ích sức khỏe của chúng.
Một số bằng chứng cho thấy dầu nhuyễn thể có thể hiệu quả hơn dầu cá trong việc cải thiện một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, nghiên cứu này còn rất hạn chế và không có nghiên cứu bổ sung nào xác nhận rằng cái này vượt trội hơn cái kia.
Do sự khác biệt lớn về giá cả và nghiên cứu hạn chế cho thấy loại này tốt hơn loại kia nên việc bổ sung dầu cá có thể là hợp lý nhất. Mặc dù vậy, bạn có thể cân nhắc dùng dầu nhuyễn thể nếu có thêm thu nhập tốt hơn và muốn kiểm nghiệm xem dầu nhuyễn thể có được hấp thụ tốt hơn và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch hơn dầu cá hay không.
Điều quan trọng cần lưu ý là cá và dầu nhuyễn thể có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu, vì vậy nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu hoặc bị rối loạn về máu, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng một trong hai chất bổ sung này.
Ngoài ra, hãy đảm bảo bạn nói chuyện với các chuyên gia y tế nếu có tiền sử dị ứng cá hoặc động vật có vỏ.

Những lợi ích sức khỏe ít người biết của quả mãng cầu
Tất cả các bộ phận của cây mãng cầu xiêm đều có công dụng chữa bệnh: quả được ăn tươi hoặc làm mứt, trong khi lá, vỏ thân, rễ, hạt.. được sử dụng rộng rãi trong các loại thuốc sắc của y học cổ truyền.

11 mẹo giúp bạn thức dậy dễ dàng hơn vào mùa đông
Trong một bài viết trên trang The Conversation, các chuyên gia đã chỉ ra 8 mẹo nhỏ giúp bạn thức dậy dễ dàng và thoải mái hơn trong mùa đông.

Tất tần tật về tác dụng của nước muối sinh lý và cách sử dụng
Nước muối sinh lý ngày càng trở nên thân thuộc hơn với con người. Đặc biệt khi môi trường ngày càng ô nhiễm dẫn tới căn bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng ngày càng hoành hành thì tác dụng của nước muối sinh lý lại trở nên hữu hiệu.

Tác hại đáng sợ của việc ăn mì tôm sống
Mì tôm sống thơm thơm, giòn giòn lại rẻ tiền, không phải mất công nấu nướng chế biến là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người, đặc biệt là các bạn học sinh sinh viên.
Tập luyện ở độ tuổi 70 - có nên không?
Câu hỏi tuần này: Có người khuyên tôi nên luyện tập thể dục nhiều hơn nhưng tôi đang lo sẽ có một số ảnh hưởng không tốt lắm vì năm nay tôi đã ở tuổi 73 rồi.

Một kiểu "dậy sớm" có hại không kém thức khuya, có nguy cơ đột tử
Ai cũng hiểu chân lý "ngủ sớm, dậy sớm tốt cho sức khỏe", nhưng nếu cứ mù quáng chạy theo việc dậy sớm mà không xem xét tình trạng cụ thể của cơ thể thì rất có thể bạn sẽ phải rước hậu quả trầm trọng.
