Đo thành phần khí quyển để tìm sự sống ở sao Hỏa
Nhằm khám phá dấu hiệu của sự sống trên sao Hỏa, các nhà khoa học Canada sẽ đo tỷ lệ các thành phần khí quyển trên hành tinh này.
Ngày 17/8, một số nhà khoa học Canada đã tham gia chương trình nghiên cứu quốc tế khám phá các dấu hiệu của sự sống trên sao Hỏa, còn gọi là hành tinh Đỏ, thông qua việc tìm kiếm các loại khí trên hành tinh này.
Sao Hỏa. Ảnh: Internet
Giáo sư Địa lý trường Đại học Winnipeg của Canada, ông Ed Cloutis, thành viên tham gia chương trình trên cho biết, các nhà khoa học sẽ sử dụng thiết bị MATMOS (Mars Atmospheric Trace Molecule Occultation Spectrometer) để đo tỷ lệ các thành phần khí quyển trên sao Hỏa.
Đây là chương trình phối hợp giữa Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu, được thực hiện từ nay tới năm 2016, nhằm tìm kiếm các loại khí trên sao Hỏa để thông qua đó tìm hiểu về sự sống trên hành tinh này.
Các nhà khoa học hy vọng với chương trình này, họ sẽ có được những lời giải thích mới về nguồn gốc các loại khí trên sao Hỏa.