Dơi biết dự trữ năng lượng trong đôi cánh để bay
Đó là khẳng định của nhóm nghiên cứu tại Đại học Brown (Mỹ) sau khi sử dụng công nghệ cắt cạnh hình ảnh 3 chiều (XROMM) để tìm hiểu làm thế nào mà loài động vật có vú này bay được trong không trung, trong khi các chi của hầu hết loài vật có vú khác đều quá dày và cứng để có thể bay.
Ảnh: nightowlgail.wordpress.com
Công nghệ XROMM kết hợp các hình ảnh 3D về hình thái học của xương với các dữ liệu chuyển động từ phim X-quang giúp tạo ra hình ảnh minh họa sinh động về sự chuyển động của xương trong không gian 3 chiều. Nhờ đó, các chuyên gia có thể hình dung được khung xương đang chuyển động của dơi. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn sử dụng kỹ thuật chụp ảnh huỳnh quang để đánh giá sự thay đổi về chiều dài cánh với độ chính xác cao trong quá trình con vật co duỗi.
Họ phát hiện hoạt động của các cơ cung cấp năng lượng cho con vật chuyển động và có ít nhất vài cơ ở cánh có thể được kéo giãn nhờ sức mạnh cơ bắp và khí động lực, cho phép nó kiểm soát chuyển động của xương hiệu quả trong quá trình bay.
Kết quả nghiên cứu cho thấy dơi là loài duy nhất trong số động vật có vú có khả năng kéo căng đôi cánh để tích trữ năng lượng khi bay, giúp chúng có thêm sức mạnh. Nghiên cứu này hứa hẹn là có thể giúp phát triển các máy bay tự động nhỏ dùng cho hoạt động tìm kiếm, cứu nạn cả trên mặt đất lẫn dưới nước.