Đưa thủ phạm gây bệnh Parkinson lên vũ trụ
Trong nỗ lực tìm kiếm phương pháp điều trị bệnh Parkinson, các nhà khoa học sẽ đưa LRRK2, loại protein được xem là nguyên nhân gây bệnh lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), để có môi trường thí nghiệm đảm bảo nhất nhằm tìm ra loại thuốc có thể chữa khỏi hay làm chậm quá trình phát triển của bệnh.
Đây là dự án nằm trong chương trình hợp tác của Quỹ Michael J. Fox với Trung tâm Khoa học Không gian.
LRRK2 là loại prtein làm thay đổi các protein khác. Các đột biến của LRRK2 được cho là nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson.
Môi trường vi trọng lực trên Trạm ISS là điều kiện tốt nhất để thí nghiệm tinh thể LRRK2. (Ảnh: Livescience).
Để tạo ra loại thuốc có thể ức chế LRRK2, các nhà khoa học cần biết chính xác cấu trúc của nó bằng cách“nuôi” tinh thể của LRRK2 trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, trọng lực của Trái đất ảnh hưởng đến sự phát triển của các tinh thể này khiến chúng không thể phát triển.
“Chất lượng của tinh thể trên Trái đất không đủ tốt”, Sebastian Mathea, một trong các nhà nghiên cứu của dự án đang làm việc tại ĐH Oxford, cho biết.
Môi trường vi trọng lực trong vũ trụ là điều kiện thuận lợi để tinh thể phát triển tốt hơn và ít nhược điểm hơn.
Dự kiến các tinh thể LRRK2 sẽ được nuôi trong không gian khoảng một tháng sau đó sẽ được gửi về Trái đất để phân tích bằng tia X quang.
Bệnh Parkinson là một bệnh rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến khả năng vận động của người, gây ra các triệu chứng như run rẩy, vận động chậm và cứng cơ.
Theo Quỹ Michael J. Fox, hiện nay không có phương pháp nào ngăn chặn hoặc đảo ngược sự tiến triển của căn bệnh.