Đức đóng cửa hết các nhà máy ĐHN vào năm 2022
Ngày 30/5, Bộ trưởng Môi trường Đức, Norbert Roettgen tuyên bố tới năm 2022 sẽ ngừng hoạt động của tất cả các nhà máy điện hạt nhân ở nước này. Như vậy, Đức sẽ trở thành cường quốc công nghiệp lớn đầu tiên từ bỏ điện hạt nhân.
Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo liên minh cầm quyền do Thủ tướng Angela Merkel đứng đầu. Ông Rottgen cho biết thêm, 7 lò phản ứng lâu đời nhất, vốn đã tạm ngưng hoạt động, cùng với nhà máy điện hạt nhân Kruemmel, sẽ không tiếp tục hoạt động nữa.
Sáu nhà máy điện hạt nhân khác sẽ đóng cửa chậm nhất vào năm 2021 và ba nhà máy cuối cùng sẽ đóng cửa vào năm 2022, cũng theo ông Rottgen.
Nhà máy điện hạt nhân tại Đức (Ảnh: wn.com).
Tại Đức, sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình lớn phản đối điện hạt nhân. Ngay sau đó, Thủ tướng Angela Merkel đã thành lập một ban hội thẩm để đánh giá điện hạt nhân ở Đức sau thảm họa này.
Được biết, nhiều quốc gia khác đã xem xét lại chiến lược phát triển điện hạt nhân, để hướng tới nguồn năng lượng sạch, an toàn và bền vững. Hôm 25/5, chính phủ Thụy Sĩ cũng đã quyết định dừng mọi kế hoạch xây dựng mới nhà máy điện hạt nhân và từng bước hủy bỏ 5 nhà máy hiện có.
Trong khi đó, một số nước vẫn khẳng định tiếp tục theo đuổi công nghệ này, như Pháp, nước có tới 80% điện năng là năng lượng nguyên tử.
Liên minh châu Âu ngày 25/5 đã nhất trí bắt đầu kiểm tra mức độ an toàn của 143 nhà máy hạt nhân tại các nước thành viên. Việc kiểm tra sẽ xem xét tác động của các vụ nổ máy bay và các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra. Tuy nhiên việc kiểm tra vẫn dựa trên sự tự nguyện.
[#RelatedNews(192)#]