Đùi gà: Tây không ưa vì sao ta lại thích?
Trong quá trình nuôi dưỡng, đùi và cánh gà là hai vị trí được nhân viên thú ý lựa chọn để tiêm một lượng kháng sinh phòng bệnh. Đây cũng chính là lý do khiến Tây không ăn đùi gà.
Lườn gà nhiều dinh dưỡng hơn thịt đùi?
Trao đổi với PV, PGS. TS Nguyễn Thanh Chò, chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, người nước ngoài thường chọn ăn lườn gà mà không ăn phần đùi là do khẩu vị và thói quen ăn uống của mỗi nước và mỗi người.
Thông thường các vị trí khác nhau sẽ có giá trị dinh dưỡng khác nhau. Theo đó, phần đùi gà nhiều cơ thì lượng protein sẽ nhiều hơn. Vì thế, phần cổ cánh hoặc lườn gà không thể nhiều protein hơn đùi. "Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thịt ức gà có chứa lượng chất béo và calo thấp hơn thịt đùi. Đối với thịt đùi nếu bỏ da đi sẽ có hàm lượng chất béo thấp hơn các loại thịt khác như bò, cừu, dê. Đặc biệt, trong thịt đùi gà có chứa lượng lớn chất sắt, có hương vị thơm hơn, có độ dai và giòn hơn (phù hợp với khẩu vị của người Việt) nên nó là phần khiến rất nhiều người thích" – PGS Chò nhấn mạnh.
Lượng protin trong đùi gà nhiều hơn phần lườn.
Tuy nhiên, một chuyên gia thú y cho biết, nước ngoài (đặc biệt người dân châu Âu) chỉ ăn lườn gà vì có lý do của họ. Bởi ở những nước này, họ thường sử dụng món gà Tây (được nuôi theo mô hình công nghiệp). Tất cả những con gà này trong quá trình sinh trưởng và phát triển đều được tiêm phòng, chăm sóc cẩn thận. Đùi, cánh gà là hai vị trí được nhân viên thú ý lựa chọn để tiêm phòng.
"Mặc dù, trước khi xuất chuồng gà đều phải đảm bảo những thông số kỹ thuật nhất định (thời gian nuôi, trọng lượng, thời gian tiêm chủng...) tuy nhiên để giảm thiểu tối đa lượng tồn dư thuốc trong thịt gà, họ đã không sử dụng những bộ phận này" - vị chuyên gia này chia sẻ.
Ngoài ra, theo kỹ sư này cũng phỏng đoán có thể người dân Châu Âu cho rằng, thịt trắng ít cholesterol hơn thịt đỏ - là nguyên nhân gây nên chứng tắc nghẽn mạch máu, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tiểu đường, béo phì... và rất nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác. Do đó, họ hạn chế ăn những loại thịt có màu đỏ và đùi gà cũng được liệt vào danh sách đó.
Bộ phận nào không nên ăn?
Mặc dù, món thịt gà được coi là bổ dưỡng, tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo có những bộ phận mà người tiêu dùng không nên sử dụng. "Nội tạng, da gà là những bộ phận mà người dân không nên sử dụng quá nhiều. Đặc biệt là với trẻ em, người béo phì, tăng huyết áp và tim mạch, phụ nữ nuôi con nhỏ tuyệt đối không nên ăn bộ phận này. Bởi, nội tạng gà cũng giống như các con vật khác chứa hàm lượng cholesterol rất cao. Đặc biệt là gan gà - nơi chứa mầm bệnh tật nhiều nhất. Điều này cũng tương tự với da gà (chứa nhiều chất béo với hàm lượng cholesterol cao)" – PGS Chò giải thích thêm.
Người châu Âu thích ăn lườn gà hơn đùi gà.
Chung quan điểm này, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, ngoài hai bộ phận trên, người dân cũng không nên ăn quá nhiều phao câu gà. Bởi đây là phần sau cùng của thân gà tích tụ nhiều mỡ nhất trong cơ thể con vật. Vì thế, những người bị bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ, sỏi thận, sỏi mật, béo phì không nên ăn thực phẩm có nhiều cholesterol. Phao câu, cánh, da và nội tạng của gà là những phần cần phải hạn chế.
"Những bộ phận này thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe khi người dân ăn một lượng lớn và liên tục trong nhiều ngày (chẳng hạn ngày nào cũng ăn 4-5 cái phao câu) mới có nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra khi ăn thịt gà, người dân cũng nên ăn thêm các loại thực phẩm giàu chất xơ để cản trở cơ thể hấp thu cholesterol" – PGS Thịnh nói.