Đứng làm việc không giúp cải thiện sức khỏe như chúng ta thường nghĩ?
Ngồi nhiều được khoa học chứng minh có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, ung thư và thậm chí tử vong sớm. Nhưng ít nhất thì chúng ta đã có bàn đứng để đối phó lại vấn đề, đúng không nhỉ? Câu trả lời có lẽ là: không. Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí trực tuyến International Journal of Epidemiology hôm 9/10, giải pháp đứng làm việc có thể chẳng cải thiện được điều gì so với ngồi, vì cả hai tư thế này nếu giữ lâu đều có những tác động tiêu cực đến sức khỏe của bạn.
Đứng làm việc không cải thiện sức khỏe như bạn nghĩ
Trong nghiên cứu nói trên, các nhà khoa học theo dõi hành vi cũng như sức khỏe của 3.720 đàn ông và 1.412 phụ nữ trong suốt 16 năm. Bắt đầu từ năm 1985, các tình nguyện viên làm việc tại London (Anh) được ghi nhận họ đã ngồi bao nhiêu tiếng trong tuần. Đến giai đoạn tổng kết, nhóm nghiên cứu tính số giờ, sau đó kiểm tra dữ liệu từ Trung tâm đăng ký Dịch vụ Y tế Quốc gia thì nhận thấy có 450 người tham gia đã chết. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu lại không tìm thấy mối tương quan giữa thời gian ngồi và nguyên nhân tử vong của họ.
Làm việc lâu trên bàn đứng liệu có tốt cho sức khỏe?
Những phát hiện này vô tình đặt ra một thách thức cho các nghiên cứu trước đó, cho rằng ngồi trong thời gian dài có thể rút ngắn tuổi thọ ngay khi bạn thường xuyên tập thể dục. "Bất kỳ tư thế đứng yên nào cũng dẫn đến việc tiêu thụ năng lượng thấp và có thể gây bất lợi cho sức khỏe, bao gồm cả ngồi hoặc đứng. Kết quả nghiên cứu đã làm dấy lên mối nghi ngờ về lợi ích của việc ngồi/đứng làm việc", tiến sĩ Melvyn Hillsdon - phó giáo sư tại Đại học Exeter ở Anh và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng “ngồi” bản thân nó sẽ không giết chết bạn. Thay vào đó, một lối sống ít vận động nói chung có thể là yếu tố tác động xấu đến sức khỏe. "Nghiên cứu không phải lúc nào cũng là sự thật, và nếu một nghiên cứu tìm thấy điều X hoặc điều Y, điều đó không có nghĩa là tất cả chúng ta đều phải chấp nhận nó", tiến sĩ Emmanuel Stamatakis - phó giáo sư tại Đại học Sydney (Australia), đồng tác giả của nghiên cứu, chia sẻ trong một email. "Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy sự bất đồng so với số còn lại và phải có một nguyên do nào đó cho việc này".