ESA tái kích hoạt tàu thăm dò sao chổi Rosetta
Các nhà khoa học và kỹ sư tại Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) đang rất hồi hộp chờ đợi những tín hiệu đầu tiên được gửi về từ tàu vũ trụ Rosetta nhằm xác định khả năng tái hoạt động sau 31 tháng nằm trong trạng thái tạm ngưng.
>>> Video: Tàu thăm dò sao chổi Rosetta
Được phóng vào tháng 3 năm 2004 trên tên lửa đẩy Ariane 5 G+ từ Kourou, đảo Guiana, Rosetta được giao sứ mạng bắt kịp và bay quanh sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. Công việc của Rosetta nghe có vẻ đơn giản nhưng nó đòi hỏi một hành trình rất dài, mất đến những 10 năm và con tàu đã thực hiện nhiều quỹ đạo phức tạp với 4 lần khai thác lực hấp dẫn bổ trợ, 3 từ Trái Đất và 1 từ sao Hoả nhằm đạt tốc độ cần thiết để bắt kịp sao chổi 67P vào tháng 5/2014. Trong suốt thời gian này, Rosetta cũng tiếp cận với các thiên thạch Stein và Lutetia. Chỉ có một trục trặc trong lịch trình của Rosetta là vòng lặp cuối cùng của quỹ đạo tàu sẽ đưa nó vượt qua sao Hoả hướng đến sao Mộc. Khoảng cách quá xa sẽ khiến các tấm pin mặt trời trên tàu ngưng hoạt động và để ngăn ngừa tình trạng đóng băng vĩnh viễn và giữ ổn định, bộ phận kiểm soát sứ mạng trên Trái Đất đã thiết lập cho tàu tự quay ở tỉ lệ mỗi phút một vòng, đưa tàu về trạng thái ngủ sâu vào ngày 8/6/2011. Kể từ đó, Rosetta chỉ sử dụng một số máy phát nhiệt để giữ hoạt động cho các thiết bị điện tử trên tàu.
31 tháng sau, Rosetta hiện đang cách Mặt Trời 673 triệu km - 1 khoảng cách đủ gần để các tấm pin mặt trời được cung cấp đủ năng lượng. Tuy nhiên, con tàu vẫn chưa nhận được bất cứ tín hiệu nào từ Trái Đất. Trên thực tế thì bộ phận kiểm soát sứ mạng vẫn đang đợi các tín hiệu gửi về từ Rosetta.
Rosetta và tàu đổ bộ Philae
Nếu mọi thứ diễn biến theo kế hoạch, bộ phận đầu tiên được làm nóng là hệ thống theo dõi sao, mất khoảng 6 giờ để tái hoạt động. Sau đó, tàu sẽ sử dụng hệ thống đẩy để giảm tốc độ quay và trực chỉ các tấm pin hướng đến Mặt Trời. Hệ thống theo dõi sao sẽ xác định trạng thái của Rosetta và ăng-ten tầm cao sẽ hướng về Trái Đất để truyền một tín hiệu qua cự ly 807 triệu km đến bộ phận kiểm soát sứ mạng đặt tại Darmstadt, Đức. Thời gian tín hiệu truyền về sẽ mất khoảng 45 phút.
Một khi liên lạc được tái kết nối, ESA sẽ thực hiện hoạt động kiểm tra hệ thống và tái kích hoạt các công cụ thí nghiệm trên tàu khi nó còn cách sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko 9 triệu km, dự kiến là vào tháng 8 sau khi hiệu chỉnh trạng thái vào tháng 5. Nếu mọi chuyện xảy ra tốt đẹp, Rosetta sẽ là tàu vũ trụ đầu tiên bắt quỹ đạo quanh một sao chổi vào tháng 8.
Một khi đi vào quỹ đạo, Rosetta sẽ bắt đầu sứ mạng chính là nghiên cứu nguồn gốc của các sao chổi, đặc điểm của nhân sao chổi, tính chất vật lý của khí mà chúng thải ra trong khi di chuyển và cách sao chổi thay đổi để tiếp cận Mặt Trời. Thêm vào đó, Rosetta cũng sẽ triển khai tàu đổ bộ Philae để thực hiện chuyến đổ bộ đầu tiên trong lịch sử lên bề mặt một sao chổi. Sứ mạng được lên lịch kết thúc vào ngày 31/12/2015 sau khi sao chổi 67P đến gần Mặt Trời nhất vào ngày 13/8/2014.