Găng tay công nghệ dịch ngôn ngữ ký hiệu thành lời nói
Các nhà sinh học thuộc Đại học California tại Los Angeles (UCLA), Mỹ đã thiết kế một đôi găng tay có thể dịch ngôn ngữ ký hiệu sang lời nói bằng tiếng Anh trong thời gian thực, qua một ứng dụng điện thoại thông minh.
Nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí Nature Electronics.
Anh Jun Chen, trợ lý giáo sư sinh học tại Trường Kỹ thuật Samueli thuộc UCLA, điều tra viên chính nói: “Chúng tôi hy vọng nghiên cứu này sẽ mở ra cách giao tiếp dễ dàng cho những người điếc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu với những người bình thường mà không cần người khác dịch cho họ”.
Thiết bị đeo tay rẻ tiền, linh hoạt và có độ bền cao. (Ảnh: UCLA)
“Ngoài ra, chúng tôi mong nó có thể giúp nhiều người tự học ngôn ngữ ký hiệu hơn”, anh nói thêm.
Hệ thống này gồm một đôi găng tay gắn các cảm biến mỏng, có thể kéo giãn theo chiều dài của các ngón tay.
Những cảm biến này được chế tạo từ các sợi dẫn điện, thu nhận chuyển động của bàn tay và vị trí ngón tay đại diện cho các chữ cái, số, từ và cụm từ riêng lẻ.
Thiết bị này sau đó biến chuyển động của ngón tay thành tín hiệu điện, gửi đến một bảng mạch có kích thước bằng đồng xu đeo trên cổ tay.
Bảng mạch truyền các tín hiệu không dây đến điện thoại thông minh để chuyển chúng thành các từ được nói với tốc độ khoảng một từ/giây.
Các nhà nghiên cứu cũng đã thêm các cảm biến gắn vào khuôn mặt của người thử nghiệm - ở giữa lông mày và khóe miệng - để ghi lại biểu cảm khuôn mặt, vì đó cũng là một phần của ngôn ngữ ký hiệu.
Anh Chen cho biết, các hệ thống dịch ngôn ngữ ký hiệu trước đây được thiết kế cồng kềnh và nặng, hoặc không thoải mái khi mang theo.
Thiết bị của nhóm các nhà nghiên cứu UCLA được chế tạo từ polyme nhẹ và rẻ tiền, có thể co giãn. Các cảm biến điện tử cũng rất linh hoạt và không tốn kém.
Khi thử nghiệm thiết bị, các nhà nghiên cứu đã làm việc với bốn người điếc và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu của Mỹ.
Người đeo lặp lại mỗi động tác tay 15 lần. Một thuật toán học máy tùy chỉnh đã biến những cử chỉ này thành các chữ cái, số và từ mà chúng đại diện. Hệ thống nhận ra 660 dấu hiệu, bao gồm cả bảng chữ cái và các số từ 0 đến 9.
Được biết, ngôn ngữ ký hiệu của Mỹ (ASL) có từ thế kỷ 19, là ngôn ngữ tự nhiên, đóng vai trò là ngôn ngữ ký hiệu chiếm ưu thế của các cộng đồng người điếc Mỹ và Canada. Ngoài Bắc Mỹ, ASL được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm phần lớn Tây Phi và một phần của khu vực Đông Nam Á.